Kỹ năng thêu, dệt ngày càng mai một

Bản Mường Và (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Lào. Hoa văn thổ cẩm nhiều màu sắc là đặc trưng trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, có thời điểm cả bản chỉ còn 10 người biết dệt thổ cẩm để tạo nên những bộ trang phục truyền thống. Vì thế, việc trang phục của người Kinh đang dần trở thành trang phục chính của đồng bào đã khiến những nghệ nhân dân tộc Lào ở Sơn La tâm huyết với nghề dệt truyền thống không khỏi trăn trở.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Lường Thị Chiêng năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng hằng ngày vẫn miệt mài bên khung cửi gìn giữ nghề truyền thống. Trang phục của đồng bào dân tộc Lào có nhiều màu sắc như trắng, hồng, vàng, tím, xanh, được nhuộm bằng vỏ, lá cây rừng. Mặc dù ngày nay trên thị trường có nhiều loại chỉ, sợi vải công nghiệp rất đẹp, nhưng để tạo ra tấm vải thổ cẩm đẹp, đặc trưng của dân tộc Lào thì phải sử dụng tơ tằm. Vì vậy, bà Chiêng vẫn duy trì nuôi tằm, tự kéo sợi và nhuộm màu theo cách truyền thống.

“Để làm được một bộ quần áo truyền thống mất rất nhiều thời gian; số lượng người biết dệt và làm ra sản phẩm trang phục của dân tộc cũng ít dần. Hiện nay, người Lào ít khi mặc trang phục của dân tộc mình mà mặc lẫn lộn, bởi nhiều người nghĩ rằng, mặc trang trục truyền thống có phần bất tiện, không phù hợp với đời sống hiện đại. Những trang phục lễ hội, trang phục cưới hỏi, trang phục lao động sản xuất truyền thống của dân tộc có khi chỉ còn trong trí nhớ của một số nghệ nhân, già làng, trưởng bản như chúng tôi mà thôi, thế hệ trẻ bây giờ hầu như không còn biết đến”-bà Chiêng trăn trở.

Cùng chung tâm trang lo lắng, nghệ nhân Ván Thị Chi, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi (thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Hiện nay, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đang dần bị mai một, những người giỏi nghề dệt, thêu ngày càng ít. Để làm ra một bộ váy áo truyền thống của dân tộc Pà Thẻn phải mất ít nhất 3 tháng,  nguồn nguyên liệu lại khan hiếm, sản phẩm làm ra chưa có đầu ra ổn định do giá thành cao, dẫn đến thu nhập từ nghề dệt truyền thống thấp, không thu hút được nhiều nghệ nhân tham gia.  Đây cũng là một trong những vấn đề mà Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pà Thẻn Ván Chi trăn trở khi tìm cách quảng bá trang phục truyền thống đến nhiều người”.

 Đồng bào dân tộc Mường (Hòa Bình) trình diễn nghề dệt thổ cẩm.

Cần có hình thức quảng bá văn hóa đa dạng

Sự giao thoa về văn hóa, tác động của kinh tế thị trường; sự biến đổi của trang phục truyền thống các dân tộc, đặc biệt là dân tộc ít người; cùng với đó, nhiều người trẻ “ngại” mặc trang phục dân tộc; nguồn nguyên liệu truyền thống không dễ kiếm trong khi những nghệ nhân biết kỹ thuật dệt, thêu ngày càng ít... là những nguyên nhân khiến trang phục truyền thống của các dân tộc đang dần mất đi. Do vậy, việc bảo tồn trang phục không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.

Ông Đinh Xuân Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) cho biết: “Để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS hiện nay, bản thân mỗi dân tộc phải có ý thức nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn, phát huy trang phục của dân tộc mình. Song song với đó cần có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân, người cao tuổi các dân tộc, bởi họ chính là “kho tàng kiến thức” về trang phục của dân tộc. Để các giá trị văn hóa hòa nhập mà không hòa tan, thay đổi mà không đánh mất mình, trong thời gian tới cần khảo sát, đánh giá, tiến hành kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các DTTS trên phạm vi cả nước”.

Để quảng bá trang phục truyền thống các dân tộc đến với đông đảo người dân, TS Chử Thị Thu Hà (Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần tuyên truyền cho đồng bào các DTTS, đặc biệt là lớp trẻ thấy được lợi ích, cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại, đặc biệt trong công tác quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Trước mắt, cần hỗ trợ về công nghệ thông tin cho các hợp tác xã chuyên dệt may của đồng bào, tập huấn, “cầm tay chỉ việc” cho bà con về cách xây dựng trang web bán hàng, cách quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội, từ đó giúp đồng bào có thể mở rộng thị trường, đưa sản phẩm của dân tộc mình đến với đông đảo người dân.

Bài và ảnh: KIM ANH