Ngày 17-3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với hai dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

leftcenterrightdel
 Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu, làm rõ một số vấn đề về việc sửa đổi Luật Căn cước công dân. 

Không ai không có giấy tờ pháp lý điện tử

Làm rõ thêm một số vấn đề về Luật Căn cước công dân, tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân hiện nay là rất cần thiết để thực hiện các chỉ đạo của Đảng trong thời gian qua.

“Từ khi Luật Căn cước công dân được ban hành đến nay, đã có rất nhiều văn bản quan trọng của Đảng chỉ đạo vấn đề này để quản lý xã hội, phục vụ nhân dân”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm dẫn chứng các chỉ đạo quan trọng của Đảng về vấn đề này như: Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra mục tiêu năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam sẽ được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thống nhất quy mô toàn quốc.

Cùng với đó, Văn kiện Đại hội Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng xác định nhiệm vụ phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ cho các cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt…

“Đây là những chỉ đạo rất quan trọng, phải khẩn trương mới hoàn thành được các mục tiêu. Vì quản lý, quản trị xã hội trên nền tảng đó phải rất cải cách”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Đại tướng Tô Lâm thông tin, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân theo Đề án 06 của Chính phủ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực khi cắt giảm thủ tục hồ sơ, giảm chi phí thủ tục hành chính.

Việc hướng tới là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, không ai không có giấy tờ pháp lý điện tử. Bộ Công an đã làm việc và cung cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính quyền cấp xã về dữ liệu trẻ em để tính toán cơ sở giáo dục đào tạo.

“Việc này đã phục vụ rất tốt cho các kỳ thi vào lớp 10, thi đại học, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp. 

Trẻ em dưới 14 tuổi có cần làm căn cước công dân?

Trước đó, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi. Lý do là ở độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nên thông tin nhận dạng khó chính xác.

Ngược lại, một số ý kiến cho rằng chính sách cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi như đề xuất của Chính phủ là phù hợp, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định rõ hơn về đặc điểm nhận dạng của trẻ em để ghi nhận trong thẻ căn cước, xác định cụ thể lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để bảo đảm tính khả thi.

Làm rõ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, đã là Chính phủ điện tử thì các cháu phải được giao dịch điện tử và trẻ em sinh ra được cấp hộ chiếu ngay. 

“Ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh thì các cháu không có giấy tờ giao dịch nào khác, thực tế xảy ra bất cập. Chính vì vậy, trẻ em dưới 14 tuổi cũng phải được giao dịch trong môi trường điện tử để tránh bất cập”, Đại tướng Tô Lâm nói.

Công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN bằng căn cước công dân

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các nước trong ASEAN đang phấn đấu sẽ thống nhất các loại giấy tờ. Trong đó, Singapore và Malaysia là những nước đi đầu cho ý tưởng này. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc đi lại trong cộng đồng châu Âu không cần visa, tiến tới ASEAN cũng thống nhất như vậy, công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN bằng căn cước công dân. 

Theo Đại tướng Tô Lâm, hiện lực lượng công an quyết tâm đạt mục tiêu 100% công dân phải có căn cước công dân. “Nếu hoàn thiện được thì các công tác đều rất thuận lợi, kể cả những việc như tìm trẻ lạc, hay người bị tai nạn đều dễ dàng”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, vừa qua, giao dịch ngân hàng bằng Căn cước công dân được đánh giá rất cao, người dân có thể vay tín chấp bằng căn cước công dân....

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, hiện nay đã cấp căn cước công dân cho khoảng hơn 80 triệu dân, số còn lại sẽ cố gắng để hoàn thành trong thời gian sớm nhất; bảo đảm cho người dân giao dịch được thuận lợi; từ đó sẽ quản trị xã hội, giao dịch xã hội một cách thông minh nhất, tiện lợi nhất.

THẢO NGUYÊN