Nghệ thuật biểu diễn truyền thống hay nghệ thuật trình diễn dân gian là một yếu tố văn hóa quan trọng đối với các cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, nghệ thuật biểu diễn truyền thống đã thay đổi mạnh mẽ, thậm chí bị mai một.
Việc khôi phục nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng dân tộc thiểu số là vấn đề được nhiều người quan tâm. Đó cũng là nội dung quan trọng trong các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống người dân tộc thiểu số ở Nghệ An hiện nay.
 |
Người Thổ ở bản Mó, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp, Nghệ An) múa trong lễ hội (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). |
Diễn xướng dân gian của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An khá đa dạng, chủ yếu là các loại hình dân ca, dân vũ. Ở người Thái có hát lăm, nhôn, xuối, khấp, mo, hát ru...; người Thổ có các làn điệu như: Đu đu điềng điềng, tập tính tập tang, hát ru con, hát giao duyên, hát cuối, múa xúc cá, múa giã gạo...; người Mông có các điệu dân ca: Vàng hủa, xằng lề, hát ru con, hát giao duyên, múa khèn, thổi sáo...; người Khơ Mú có hát tơm, hát ru, hát kưn chơ, thổi sáo, thổi khèn bè, múa ong eo...
Hiện nay, các loại hình diễn xướng dân gian đang bị mai một nhanh chóng do một số yếu tố, như: Tâm lý, ứng xử của các lứa tuổi khác nhau với văn hóa truyền thống nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng không giống nhau.
Trong khi người già đăm chiêu với những giá trị truyền thống đang thay đổi thì người trẻ lại chạy theo những giá trị hiện đại vốn cũng chưa định hình rõ nét. Trong lần khảo sát về dân ca, dân vũ của người Thổ ở bản Mó, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp, Nghệ An) chúng tôi nhận thấy, trong số 21 người tham gia biểu diễn các bài hát, bài múa truyền thống, người trẻ nhất cũng đã 43 tuổi.
Hoạt động biểu diễn văn nghệ ở các bản người Thái tham gia du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông cũng vậy, chủ yếu thu hút những người đã ngoài 35 tuổi. Nhìn chung, các loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người già, trong khi đa số người trẻ tỏ ra thờ ơ.
 |
Người Thái ở bản Na Sai, xã Hạnh Dịch (Quế Phong, Nghệ An) múa hát trong lễ hội bản làng (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). |
Hiện nay, nghiên cứu về những loại hình diễn xướng dân gian của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An còn hạn chế. Do ít công trình nghiên cứu nên việc tách lớp giá trị văn hóa trong diễn xướng dân gian của các tộc người để biết đâu là cái truyền thống, cái nguyên gốc, đâu là phần cải biên, thay đổi thường rất khó. Và nếu không phân tách được những giá trị này thì việc bảo tồn, phát huy có thể làm hại đến giá trị của văn hóa.
Cùng với các yếu tố trên là sự thay đổi trong tâm lý tộc người. Bà Vi Thị Quyết (75 tuổi), một người phụ nữ Thái rất tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa truyền thống, chia sẻ: “Dù nhiều người già đã nỗ lực để truyền lại cho lớp trẻ những bài múa, bài hát truyền thống nhưng những người trẻ tuổi lại cho rằng các giá trị đó thuộc về thế hệ đã qua, còn thế hệ họ cần tiếp thu các nét văn hóa mới. Vậy nên, họ không mấy mặn mà với nghệ thuật biểu diễn truyền thống mà chỉ nghe nhạc trẻ hay các dòng nhạc thị trường”.
Nhiều thách thức đặt ra cho các nhà quản lý văn hóa và địa phương tính cấp thiết trong xác định những phương án khôi phục và bảo tồn nghệ thuật biểu diễn truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số. Trước hết, phải tiến hành tổ chức nghiên cứu khách quan và sâu sắc về thực trạng, giá trị văn hóa của nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở các cộng đồng.
Chỉ có nghiên cứu khoa học mới đưa ra được những cơ sở nền tảng để xây dựng chính sách bảo tồn sao cho hợp lý. Sự biến đổi xã hội là điều tất yếu nên bảo tồn nghệ thuật biểu diễn cũng phải được hiểu một cách linh động là bảo tồn động chứ không phải đóng băng trong các giá trị tĩnh tại.
Điều quan trọng là phải để người dân địa phương là chủ thể văn hóa, giữ vai trò chủ đạo, quyết định việc khôi phục nghệ thuật trình diễn. Cần giúp họ chủ động trong việc lựa chọn, định hướng và thực hiện, bởi họ là những người thực hành văn hóa đó. Nhà nước đứng sau hỗ trợ, giúp đỡ chứ không nên can thiệp quá sâu hay quyết định toàn bộ việc này.
Nhà nước có thể giúp đỡ người dân bằng những biện pháp gián tiếp như nâng cao đời sống, tuyên truyền các giá trị của văn hóa truyền thống để người dân hiểu và lấy lại tâm lý tự tin, qua đó làm cho họ có điều kiện, năng lực để phục dựng, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn truyền thống của mình.
Bên cạnh đó, một việc quan trọng cũng cần được gấp rút thực hiện là số hóa nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Cơ sở dữ liệu này vừa là hệ thống tư liệu cho quá trình nghiên cứu, vừa là nền tảng cho việc lựa chọn khôi phục loại hình nghệ thuật biểu diễn.
Như vậy, công tác bảo tồn trước hết là bảo tồn dạng tư liệu về nghệ thuật biểu diễn, càng đa dạng, càng cụ thể càng tốt, sau đó mới tính đến chuyện bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn qua sân khấu hóa hay khôi phục các không gian văn hóa gắn với loại hình nghệ thuật biểu diễn cụ thể. Có như vậy mới khơi dậy nguồn sống cho nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng thiểu số hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Cường, Phó trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An, cho biết: “Bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc thiểu số là việc làm vô cùng phức tạp, khó khăn. Chúng ta phải cùng người dân tìm kiếm những cách thức, phương pháp cụ thể và hiệu quả, phải kết hợp nghiên cứu khoa học với công tác quản lý văn hóa để có những hướng đi đúng đắn nhằm bảo tồn và phát triển tốt nghệ thuật biểu diễn của các cộng đồng dân tộc thiểu số”.
Bài và ảnh: BÙI HÀO