Bền bỉ sáng tác…

Nhạc sĩ Trần Viết Bính ngụ tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, hiện đã qua tuổi “bát tuần” nhưng nhìn ông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Có thể xem ông là một trong những tấm gương tiêu biểu xuất sắc trong việc sáng tác và lưu giữ những giá trị “văn hóa phi vật thể” của dân tộc. Các sáng tác của ông đa dạng đề tài, chủ đề, phản ánh chân thực mọi vấn đề của thời đại và cuộc sống. Có thể kể đến như: Dòng sông (1956), hợp xướng Người bạn thiếu niên miền Nam anh hùng (1962), tổ khúc Chúng em đã gặp chị Võ Thị Sáu (1965), Hạt gạo làng ta (thơ Trần Đăng Khoa)…

leftcenterrightdel
Nhạc sĩ Trần Viết Bính gặp gỡ đồng bào dân tộc Chăm tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Trong số hàng trăm nhạc phẩm ấy, ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng công chúng là Hạt gạo làng ta. Ca khúc này được bình chọn là một trong năm mươi bài hát thiếu niên hay nhất thế kỷ XX. Phần lớn tác phẩm của nhạc sĩ Trần Viết Bính dành viết cho thiếu nhi. Mặc dù tuổi cao những những năm gần đây ông vẫn thường xuyên tham gia các sinh hoạt với thiếu nhi vào mỗi dịp hè; in các tuyển tập nhạc cho thiếu nhi, phát miễn phí đưa về nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhất là các trường vùng đồng bào DTTS. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhạc sĩ Trần Viết Bính tích cực sáng tác nhiều ca khúc động viên lực lượng tuyến đầu và động viên các tầng lớp nhân dân yên tâm để chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch. Ở ông luôn toát ra niềm say mê với công việc, thái độ nghiêm túc, cần mẫn, luôn biết học hỏi, tìm tòi để sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị… Nhiều tác phẩm đã tạo nên những tiếng vang lớn, được công chúng tin yêu, bạn bè thán phục.

“Đánh thức” âm nhạc đồng bào DTTS

Bắt đầu từ chủ trương của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai: “khắc phục tình trạng sưu tầm rồi “bỏ kho”, báo cáo thành tích, sân khấu văn hóa hoặc đánh bóng giải thưởng cá nhân; sưu tầm là để nghiên cứu, truyền dạy, phổ biến và gieo cấy trở lại trong đồng bào; gìn giữ, phát huy và làm giàu tài sản văn hóa cho đồng bào”… nhạc sĩ Trần Viết Bính như người lính tâm huyết tiên phong. Với tài năng về âm nhạc dân tộc, nhiều năm qua ông vẫn đang miệt mài với công việc bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị tinh tuý của nền văn hóa dân tộc trong đời sống cộng đồng các dân tộc vùng Đông Nam bộ. Chia sẻ về công việc sưu tầm, khảo cứu dân ca đồng bào DTTS, nhạc sĩ cho biết, từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi làm cán bộ ngành Văn hóa Đồng Nai ông thường đi làm các chương trình về văn hóa ở vùng sâu vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc Chơ Ro, Mạ, S’tiêng. Những dân tộc này chủ yếu sinh sống ở vùng Đông Nam bộ vì thế, dân ca của họ ít người biết đến. Nếu không kịp thời lưu giữ thì khi thế hệ người già chết, dân ca của dân tộc đó cũng sẽ dần dần mất đi. Nung nấu từ ý tưởng đó, nhạc sĩ bắt đầu tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu. Đến năm 1996 sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Trần Viết Bính có thêm nhiều thời gian đi sưu tầm dân ca. Trong đó, ông đã sưu tầm và tập được bốn tập dân ca. Hiện tại, có gần 170 bài dân ca in trong cuốn “Dân ca Mạ, Chơ Ro, S’tiêng, Kơ Ho ở vùng Đông Nam bộ”. Ngoài ra, nhạc sĩ cũng hoàn thành công trình sưu tầm, khảo cứu: “Dân ca chăm Islam ở Đồng Nai và miền Đông Nam bộ”. Để có được thành công này là cả một quá trình. Không quản ngày đêm, bất kể thời tiết nắng nóng, đường vòng quanh co nhạc sĩ Trần Viết Bính đã tìm đến vùng sâu vùng xa. Không phải cứ đi là được, tìm mà có mà có khi phải tìm hàng tháng trời. Trong căn hộ chung cư nhỏ ở Phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa, chẳng có tài sản nào đáng giá hơn những cuốn sách ông sưu tầm dân ca, những tập bản thảo, tác phẩm âm nhạc và những giải thưởng qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Theo nhạc sĩ, khó nhất là việc tìm ra người biết hát và chịu hát dân ca. Một phần vì họ ngượng, phần vì họ cho rằng những bài hát dân ca đã cổ và xấu xí nên không chịu hát. Sau khi tìm được phải ghi âm, quay phim, nhờ người dịch ra tiếng Việt và phiên âm lại bằng tiếng La-tinh. “Trong mỗi chuyến đi đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm vui, buồn và có đôi lúc sự chết cũng liền kề. Nhớ nhất là trong một lần công tác ở Đà Nẵng, tôi bị bệnh cao huyết áp phải vào viện cấp cứu gấp trong đêm. Do đó, với tâm thức của người sưu tầm “làm thật nhanh vì sợ chết giữa chừng” đã thôi thúc tôi làm việc không ngừng nghỉ”-nhạc sĩ Viết Bính chia sẻ. Dẫn chúng tôi vào xem và giới thiệu từng tác phẩm, từng cuốn sách nhạc sĩ Trần Viết Bính cho biết, dân ca DTTS đang có nguy cơ biến mất, nên mình cần phải biết nâng niu bảo quản. Có làm như vậy mới lưu giữ được bản sắc văn hóa các dân tộc, nhất là khi đời sống âm nhạc hiện nay đang có nhiều phát triển đa dạng và phức tạp. Không chỉ mất thời gian thuyết phục, tìm tòi mà phải ăn ngủ tâm sự và hiểu cuộc sống, tâm tư tình cảm của các dân tộc.

Quả thật, khi tiếp xúc với nhạc sĩ Trần Viết Bính, chúng tôi mới thấy hết được những công việc mà ông đang làm thật giống như một người “góp nhặt sỏi đá” để làm nên mảng dân ca các DTTS thêm phần ý nghĩa. Khi được hỏi về công việc và những ấp ủ sắp tới thì được nhạc sĩ cho biết, sẽ cố gắng sáng tác, sưu tầm và khảo cứu thêm dân ca cho đến hơi thở cuối cùng để sau này con cháu biết đến. Và còn nhiều những trăn trở khác mà ông không nói ra, nhưng có lẽ chúng tôi đã hiểu phần nào… bởi ông đang âm thầm lưu giữ những nét văn hóa của dân tộc, qua âm nhạc phần nào giúp các dân tộc xích lại gần nhau.

Bài và ảnh: NY CẦM