Với phương châm làm chắc, bằng bước đi và lộ trình phù hợp, đến nay, chuyển đổi số của thành phố đã đạt những kết quả quan trọng. Chính quyền số từng bước được triển khai. Hạ tầng số được quan tâm thúc đẩy. Kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt... được xác định là đơn vị làm điểm của cả nước thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Với những lợi thế và kết quả vững chắc ban đầu, Hà Nội quyết tâm hoàn thành mục tiêu thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu loạt bài: “Chuyển đổi số Hà Nội trong hành trình hướng đến thành phố thông minh”.

Bài 1: Chuyển đổi từ nhận thức

Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Thành ủy Hà Nội xác định: Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá, với bước đi và lộ trình phù hợp.

leftcenterrightdel
 

Thuận lợi vẫn là cơ bản

Với vai trò Thủ đô của cả nước, Hà Nội có lợi thế lớn là được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ. Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết riêng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15-5-2022).

Theo TS Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội, hiện nay, Thành phố có đủ cơ sở vững chắc, sự nhận thức đầy đủ, tầm nhìn của các cấp lãnh đạo và quyết tâm cao trong triển khai chuyển đổi số. Điều này thể hiện ngay trong Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đứng đầu cả nước về tiềm lực thiết kế và triển khai các công nghệ số, đến nay, Hà Nội đã sẵn sàng với hạ tầng viễn thông, mạng lưới internet và mạng di động phủ rộng trên tất cả các quận, huyện, giúp cho các doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng truy cập vào các dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số.

leftcenterrightdel

Hà Nội đã sẵn sàng với hạ tầng viễn thông, mạng lưới internet và mạng di động phủ rộng trên tất cả các quận, huyện, giúp cho các doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng truy cập vào các dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số. Ảnh: baotintuc.vn 

“Với nhiều trường đại học lớn, viện nghiên cứu, có thể nói Hà Nội là nơi tập trung tầng lớp “tinh hoa” trong lĩnh vực khoa học - công nghệ - công nghệ thông tin, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội thực hiện chuyển đổi số. Đây cũng là “cái nôi” của đổi mới sáng tạo, của FINTECH, của các hệ sinh thái công nghệ số với rất nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, vườn ươm về đổi mới sáng tạo có nguồn nhân lực cao”, T.S Đặng Đức Mai nhấn mạnh.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính cho rằng: Hà Nội có một đội ngũ các nhà khoa học, trí thức và hệ thống giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đông đảo nhất cả nước. Trong khoảng hơn hai chục năm trở lại đây, Thành phố Hà Nội thực sự mở rộng cửa mời đón các chuyên gia, nhà khoa học tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng.

Trên thực tế, Hà Nội đã sớm xác định lộ trình thực hiện chuyển đổi số thực chất, hiệu quả. Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thành phố đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, xây dựng các hệ thống nền tảng, các hệ thống thông tin, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, từng bước thay đổi quy trình, thói quen làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố và hoạt động của bộ máy hành chính sang môi trường số.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng; trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2030, Hà Nội thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp...    

Không để vấn đề nhận thức trở thành lực cản

Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số, là làm khác đi cách làm trước đây. Tuy nhiên, nhắc đến “chuyển đổi số” nhiều người cho đó là một khái niệm trừu tượng, xa vời, rằng chuyển đổi số là công việc của riêng chính quyền. Cũng có quan điểm cho rằng, chuyển đổi số là một thứ “siêu quyền năng”, cứ chuyển đổi số là có thể giải quyết được mọi vấn đề.

Những quan niệm như vậy trở thành nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai chuyển đổi số đã được Thành ủy Hà Nội thẳng thắn chỉ ra, đó là: Nhận thức của cấp ủy đảng, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh còn hạn chế, bất cập và chưa thống nhất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bị động, chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của thành phố, giữa thành phố với các địa phương trên cả nước, giữa thành phố với Trung ương còn chưa chặt chẽ, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Trước thực trạng đó, Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt nhằm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh. Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được coi là một nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, các cấp ủy, người đứng đầu trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các hiệp hội ngành nghề trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số. 

leftcenterrightdel

Quang cảnh Lớp tập huấn sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thế hệ mới.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Giao tiếp điện tử của Thành phố, địa phương, các ngành và mạng xã hội, Thành phố khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử, tài chính-ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp.... Định kỳ hai năm một lần, Thành phố tổ chức triển lãm quốc tế về công nghệ số để giới thiệu, xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối mạng lưới các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ số đến từ các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức; các hoạt động hội thảo chuyên đề, kinh tế số, đảm bảo an toàn thông tin, xây dựng mô hình doanh nghiệp mẫu về chuyển đổi số cũng được Thành phố tăng cường triển khai. Riêng với doanh nghiệp nhỏ và mới, Thành phố hỗ trợ toàn phần tổng chi phí của một khóa đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Ở cấp cơ sở, mỗi quận, huyện, thị xã đều lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: Truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số làm cơ sở nhân rộng ở địa phương.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận đang được thực hiện hiệu quả. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã được triển khai trên địa bàn Thành phố, như: “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”, “Ngày thứ Sáu xanh”, “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24”...

leftcenterrightdel
 

Công dân số và những tiện ích “một chạm”

Một đứa trẻ khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền, đến tuổi đi học thì chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tránh nơi bị thừa, nơi lại thiếu, đến tuổi trưởng thành thì tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì kịp thời nhận được cảnh báo, chăm sóc y tế... Nhờ dữ liệu số và công nghệ số, chính quyền cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân.

Tính đến hết năm 2022, thành phố đã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; mọi người dân được truy cập internet băng rộng với chi phí thấp. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; mỗi người dân có mã định danh kèm theo QR code… Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6. Hệ thống Sổ liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Chị Phạm Thị Thanh Vân, giảng viên Viện Ngoại ngữ - Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa nhận giấy đăng ký kết hôn vào ngày 14-2-2023 tại Ủy ban Nhân dân phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng), chia sẻ hiện nay mọi thủ tục đăng ký kết hôn đều đã được số hóa, vợ chồng chị tìm hiểu trước, nghiên cứu cách thực hiện và đăng ký hồ sơ online tại nhà, bao gồm cả chuẩn bị file ảnh theo định dạng yêu cầu của hệ thống nhận hồ sơ. Chỉ với vài thao tác trên máy tính, chị Vân đã nhận được hẹn lấy kết quả, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức đi lại.

leftcenterrightdel

Khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi và liên tục 24/24 giờ. Ảnh: lms.evnhanoi.vn 

Còn đối với doanh nghiệp, những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số là giúp gia tăng tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp hiệu quả; tiết kiệm chi phí vận hành và tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên; tạo ra trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo nhất cho khách hàng...

Điển hình như tại Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), với nền tảng dịch vụ khách hàng được triển khai từ năm 2021, người dân có thể sử dụng các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi, liên tục, qua các kênh giao dịch trực tuyến như app EVNHANOI, website evnhanoi.vn, trang EVNHANOI trên ứng dụng Zalo, chatbot trả lời tự động tích hợp trên nền tảng Facebook messenger…

Việc số hóa các dịch vụ điện đã giúp EVNHANOI nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian đi lại. Trước đây, khi thực hiện các dịch vụ cho khách hàng, nhân viên điện lực phải mất thời gian trình hồ sơ giấy tờ qua các cấp phê duyệt. Hiện nay, tất cả các công đoạn đều được thực hiện trực tuyến.  

Thương mại điện tử cũng tạo ra một cuộc cách mạng trong mua bán chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối mạng. Bà Nguyễn Hồng Vân (60 tuổi) ở ngõ 3 phố Thái Hà chia sẻ, nhờ chuyển đổi số, giờ đây cô có thể chủ động thanh toán các hóa đơn điện nước qua app ngân hàng và không cần phải giấy tờ nộp tiền như trước, hơn nữa, qua các app này cô dễ dàng tra lại lịch sử giao dịch, rất tiện lợi. Bà Vân cho biết thêm, hiện nay tại các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hóa nơi bà sinh sống đều được trang bị mã QR code, không cần dùng tiền mặt, không cần thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể trả tiền trong nháy mắt.

“Giờ đây, đi mua sắm mang tiền mặt lại thấy bất tiện, bởi thói quen thanh toán qua chuyển khoản đã hình thành hơn 2 năm nay, kể từ khi đại dịch Covid-19”, bà Nguyễn Hồng Vân nói.

Trong khi đó, chị Đặng Phương Anh (quận Tây Hồ) lại có những trải nghiệm khác về mua sắm online. Chị chia sẻ, với một cái chạm tay hay một cú nhấp chuột là có thể mua được món hàng yêu thích từ nơi cách mình cả nghìn cây số, đặt vé máy bay, vé tàu hỏa, ô tô, đặt phòng khách sạn cũng rất thuận tiện. Từ ngày có các sàn thương mại điện tử, chị không còn phải tranh thủ giờ nghỉ trưa hay cuối tuần đi đến từng cửa hàng mua quần áo hay đồ dùng như trước nữa. Mọi giao dịch đều trở nên thông minh hơn, tiết kiệm thời gian, công sức, giao hàng tận nơi, so sánh giá cả dễ dàng, đa dạng sự lựa chọn…

leftcenterrightdel
Chị Đặng Phương Anh (quận Tây Hồ, Hà Nội) tham gia mua sắm trực tuyến.

Chị Nguyễn Bích Diệp, giáo viên tiếng Trung ở Trung tâm ngoại ngữ Diệp Anh là người đã có kinh nghiệm giảng dạy hơn 10 năm, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chị buộc phải chuyển sang dạy học online. Từ đó đến nay, chị vẫn tiếp tục công việc này và nhận thấy rằng hình thức học online khá thuận tiện, hiệu quả, vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, học phí cũng rẻ hơn…

Cách đây hơn 1000 năm, dân tộc Việt Nam đã thực hiện một cuộc chuyển đổi vĩ đại. Công cuộc chuyển đổi này được dẫn dắt bởi người đứng đầu quốc gia khi đó là Vua Lý Thái Tổ. Điều quan trọng nhất trong chương trình chuyển đổi quốc gia cách đây hơn 1000 năm là sự chuyển đổi về mặt nhận thức. Việc dời đô từ Hoa Lư hiểm yếu nhưng chật hẹp sang Thăng Long trống trải giữa vùng đồng bằng là một sự chuyển đổi về tư duy quản lý đất nước, từ quan điểm phòng thủ đất nước dựa vào sự hiểm yếu sang dựa trên sự phát triển, coi phát triển là cách tốt nhất để bảo vệ quốc gia.

NHÓM PV BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

---------------------------------------------------------

Bài 2: Thể chế đi trước, hạ tầng tạo tiền đề