Giải quyết các thách thức đặt ra trong quá trình phát triển

Chương trình 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã cho thấy quyết tâm của TP trong phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đồng thời, giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội.

Trong 6 nhiệm vụ Chương trình đặt ra, thành phố chú trọng tới tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ; tập trung huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử... Cùng với đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị.

Thực hiện Chương trình 03-Ctr/TU, quận Ba Đình đã tăng cường kiểm soát không gian, kiến trúc cảnh quan 2 bên tuyến đường làm cơ sở cho công tác chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển đô thị; không để phát sinh các công trình siêu mỏng, siêu méo và các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên các tuyến đường mở mới. Cùng với đó, quận phối hợp với các sở, ngành của thành phố hoàn chỉnh Đồ án Quy hoạch phân khu R1-5 - phân khu sông Hồng; triển khai thực hiện dự án chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường tuyến đường ven hồ Trúc Bạch đoạn từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2...

TP Hà Nội ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND về quy hoạch kiến trúc tại 4 quận nội thành. Ảnh: Bảo Anh

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, quận tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó tập trung đầu tư một số tuyến đường chính và một số tuyến đường nội bộ theo quy hoạch. Bởi theo xu hướng phát triển chung, các công trình xây dựng hai bên các tuyến đường mới mở sẽ tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, làm thay đổi diện mạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của quận và thành phố.

Xác định giãn dân phố cổ là một trong những giải pháp quan trọng, tạo tiền đề cho việc chỉnh trang, tái thiết đô thị vùng lõi, quận Hoàn Kiếm đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt bảo tồn khu phố cổ. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, hiện quận đã rà soát xong toàn bộ đề án giãn dân phố cổ, gồm 2 dự án đầu đi, đầu đến và đang xin ý kiến các sở, ngành để báo cáo thành phố các nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm chia sẻ thêm, diện mạo đô thị quận ngày càng khang trang, sạch đẹp, đó là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong nhiều năm qua. Để làm được điều này, quận đã tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Quận và khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai thực hiện các giải pháp cải tạo, chỉnh trang, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc cảnh quan của danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận...

Đối với khu vực ngoài đê, quận đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành để cập nhật các định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này vào đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng như: Quan tâm thực hiện đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, mở rộng phố Chương Dương Độ; đề xuất các giải pháp sử dụng hiệu quả công năng khu nhà gỗ với chức năng hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại, giao thông tĩnh và trường học…

Là quận cửa ngõ phía Nam Thủ đô, có tốc độ phát triển đô thị cao, dân số gia tăng cơ học nhanh, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh cho biết, thời gian tới, việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị sẽ được ưu tiên hàng đầu. Quận cũng đang khảo sát, đưa vào danh mục đầu tư các tuyến đường giao thông quy hoạch nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng cũng như: Đầu tư cải tạo, chỉnh trang Công viên Đền Lừ, Bắc Linh Đàm, Vĩnh Hoàng, kết hợp trang trí chiếu sáng... bảo đảm cảnh quan đô thị.

Tăng cường sự lãnh đạo trong quản lý đô thị

Cùng với Chương trình 03-Ctr/TU, để tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2-3-2022, “về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đặt ra yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và gắn với việc cụ thể hóa trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: moitruongvadothi 

Theo Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Chỉ thị số 14-CT/TU có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm thành phố đang thực hiện đồng bộ khối lượng công việc lớn liên quan đến quy hoạch, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn toàn mới, là bước đột phá nhằm phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quá trình lập quy hoạch, các cấp, ngành phải quán triệt phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”, cũng như tiếp tục hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước, củng cố tổ chức bộ máy, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương pháp luật, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Cũng theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, phát triển đô thị phải bao gồm cả những khu đô thị mới đi đôi với chỉnh trang tái thiết, tái phát triển khu vực đô thị cũ hiện hữu. Từ bài học kinh nghiệm của một số thành phố trên thế giới và của Việt Nam cho thấy, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trong khu vực nội đô lịch sử cần phải đi cùng với việc bảo tồn di sản, giữ gìn, tôn tạo và lưu giữ giá trị kiến trúc, quỹ kiến trúc công trình; gia tăng giá trị cảnh quan, tạo trật tự, kỷ cương trong hình thái kiến trúc đô thị, trong cách sử dụng công trình đô thị, trong cơ chế gìn giữ môi trường, bảo quản, bảo dưỡng công trình và không gian đô thị.

Là người làm công tác quy hoạch, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, các chính sách liên quan đến công tác cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị của Hà Nội đã thể chế hóa cơ bản đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị; tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị.

 Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính. Ảnh: Reatimes

Việc thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND về quy hoạch kiến trúc tại 4 quận nội thành chính là căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Việc có một quy chuẩn riêng cho khu vực đặc thù sẽ làm công tác cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị trong khu nội đô có tính khả thi hơn.

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, trong những giải pháp cải tạo, chỉnh trang đô thị cũng cần chú ý đến việc giãn dân phố cổ và cần thực hiện đồng bộ. Trong đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt công tác bảo tồn khu phố cổ.

Đối với việc "tái thiết đô thị", phải gắn liền với việc giải phóng mặt bằng di chuyển các hộ dân, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ quan, trường học không phù hợp quy hoạch, ra khỏi các di tích, trả lại cảnh quan, không gian văn hóa tâm linh. Chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ (lập quy hoạch, thiết kế đô thị tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng)…

Đặc biệt, quá trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị trong khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội rất cần có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản, hình thành nên chính sách đặc thù - bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng…

BẢO ANH - HOÀNG LAN