Bài 1: Hồi sinh những “vệt đen” đô thị

Liên tiếp trong hai năm 2015-2016, thành phố Hà Nội đã thực hiện chủ đề công tác “Năm trật tự văn minh đô thị” với sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố tới cơ sở cùng kỷ luật, kỷ cương được siết chặt và sự đồng lòng hưởng ứng của người dân. Kết quả đã cho thấy sự chuyển biến rõ rệt, bộ mặt đô thị Hà Nội quả thật đã sáng, xanh, sạch đẹp hơn rất nhiều, đem lại những giá trị tích cực cho việc phát triển Thủ đô.

Mương ô nhiễm thành đường đi bộ đẹp như thơ

Những năm 2013-2015, mương Thái Hà (hay còn gọi là mương IF) nằm song song với phố Thái Hà, chảy từ Trung tâm Chiếu phim quốc gia đến cống hóa Hào Nam (quận Đống Đa) dài 367m từng trở thành nơi đổ đất thải. Nhiều đoạn mương đã bị thu hẹp cả hai bên do khối lượng lớn vật liệu xây dựng đổ xuống, khiến dòng chảy bị "thắt" lại, ảnh hưởng tới việc tiêu thoát nước của khu vực Thái Hà. Ngày mưa cũng như ngày nắng, nước trong mương luôn đen ngòm, bốc mùi hôi thối, khó chịu. Hễ có mưa lớn, đoạn phố Thái Hà chạy song song với tuyến mương lại xảy ra úng ngập cục bộ.

Giải quyết thực trạng trên, dự án cống hóa mương Thái Hà dài khoảng 400m đã được triển khai. Sau khi hoàn thiện năm 2016, đoạn mương ô nhiễm đã được “hô biến” thành đoạn vỉa hè đẹp chạy song song với phố Thái Hà. Từ khi đưa vào hoạt động, con đường đi bộ tại phố Thái Hà đã nhanh chóng trở thành điểm vui chơi, tập thể dục yêu thích của người dân xung quanh nhất là người già và trẻ em. Hàng cây xanh mát dọc hai bên đường giúp xua tan cái nắng gắt của mùa hè, giúp mọi người có thể thoải mái đi bộ và giúp tuyến phố Thái Hà nhìn râm mát khác hẳn so với trước đây. Giữa những dòng xe qua lại tấp nập đầy khói bụi, con đường đi bộ mới như đã xua tan không khí ô nhiễm, tạo nên cảnh quan xanh tươi đẹp và không gian thư giãn cho mọi người.

Mương Thái Hà sau khi được cải tạo, chỉnh trang lại đã trở thành đoạn đường đi bộ xanh, sạch, đẹp. 

Tuy nhiên, cũng như số phận của bao con đường, tuyến phố Hà Nội, đoạn đường đi bộ mới này một thời gian sau đó cũng bị lấn chiếm. Những đống rác thải sinh hoạt, vật dụng không còn sử dụng người dân mang ra chất đống bên lan can sắt. Thậm chí, một số người đã đổ bê tông lên bề mặt dải phân cách lấy chỗ bán hàng, để xe máy… Phần lớn lòng đường, các chủ hàng, quán đã tận dụng cho xe của khách hàng đậu đỗ tràn lan.

Nhằm đảm bảo trật tự đô thị, UBND phường Trung Liệt đã giao lực lượng công an và tự quản phường thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm và hàng ngày lập các chốt trực để phân luồng giao thông vào các giờ cao điểm để đảm bảo đường thông hè thoáng, giảm ùn tắc giao thông. Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội - Chi nhánh Đống Đa cũng đã bố trí trên dọc tuyến 5 thùng rác loại 660ml. Cùng với đó, sau khi được hạ ngầm cáp điện, viễn thông, từ năm 2020, tuyến phố Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng được cải tạo, thay đá lát vỉa hè, đem đến diện mạo mới sạch đẹp.

Gắn bó với con phố Thái Hà gần cả cuộc đời, bà Lê Thị Ngọc vô cùng phấn khởi khi chứng kiến sự đổi thay của nơi đây. “Đây đúng là khoảng xanh quý giá. Tuyến phố sau khi được cải tạo, chỉnh trang, xe cộ được sắp xếp gọn gàng, tôi thấy thực sự rất văn minh"- bà Ngọc nói.

Tái thiết không gian công cộng

Không chỉ có những tuyến đường, đầu năm 2022, bãi đất bỏ hoang do ô nhiễm rác thải và nước thải sinh hoạt ở bờ vở sông Hồng thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã được cải tạo thành không gian công cộng đa chức năng xanh, sạch, đẹp, phục vụ chính cộng đồng dân cư.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, sự hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Tài nguyên và Môi trường và công tác giải phóng mặt bằng của phường Chương Dương, dự án đã cùng với cư dân địa phương, các tình nguyện viên yêu Hà Nội dọn sạch hơn 200 tấn rác, tổ chức tập huấn cho cộng đồng về quản lý và giảm thải rác, xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra sông Hồng, làm vườn rừng cộng đồng, đường kết nối với không gian xanh, cũng như cải tạo bãi đất thành sân chơi cho trẻ em.

 Các tình nguyện viên yêu Hà Nội dọn sạch hơn 200 tấn rác tại bãi đất bỏ hoang bên bờ vở sông Hồng.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn quận có hai phường Chương Dương và Phúc Tân trải dài dọc sông Hồng, có những đặc thù riêng với thói quen của người dân vứt, bỏ rác, xả nước thải chưa qua xử lý ra bờ vở sông Hồng, dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại khu vực này rất đáng báo động.

Sau khi nhận được đề nghị của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống xin phép thực hiện dự án, quận đã chỉ đạo các phòng, ban ngành, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể và nhân dân thuộc hai tổ dân phố số 5, 6 của phường Chương Dương cùng chung tay triển khai dự án.

Sau hơn hai tháng triển khai, từ một khu vực tồn tại nhiều vấn đề về ô nhiễm với hàng trăm tấn rác thải, nước thải xả trực tiếp ra môi trường chưa qua xử lý, đến nay đã hình thành một con đường sạch đẹp, vườn cây xanh, trẻ em cũng có sân để vui chơi.

Trước đó, người dân Thủ đô cũng đã được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của tuyến phố Trúc Bạch khi được trang trí 200 chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu cùng nhiều bức tranh bích họa, pano khổ lớn với nội dung tuyên truyền “Bảo vệ môi trường, đẩy lùi rác thải nhựa”. Đáng nói, kinh phí huy động cho dự án hầu hết từ nguồn xã hội hóa với sự hưởng ứng, chung tay đóng góp của không chỉ người dân sinh sống trên địa bàn mà còn của cả cộng đồng.

Từ khi tuyến đường được cải tạo, chỉnh trang, các hộ gia đình được sống trong một không gian mới với bầu không khí trong lành; cảnh quan, môi trường sạch đẹp hơn trước rất nhiều. Quanh hồ được lắp hệ thống rào chắn, trồng cây xanh xen kẽ với những bức bích họa tái hiện không gian phố cổ, nét đẹp cổ, văn hóa của người Hà Nội xưa. Từ sau khi công trình được hoàn thành, các hộ gia đình bảo nhau gìn giữ vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh để tuyến phố được xanh mãi, đẹp mãi.

Khu vực bừa bộn rác thải tại Phúc Tân trở thành phố bích họa. 

Lùi xa hơn khoảng chục năm về trước, có rất nhiều những con đường, tuyến phố cũng đã được hồi sinh như thế. Đó là đê sông Hồng, đê Hàm Tử Quan (nay là Con đường gốm sứ) vốn là một “điểm đen” về ô nhiễm môi trường khi bức tường ngăn cách phía mặt đê bốc mùi nồng nặc do người dân đi vệ sinh, đổ rác bừa bãi; hay khu vực bừa bộn rác thải tại phố Phúc Tân trở thành phố bích họa, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan nơi đây.

Cùng với việc chỉnh trang các tuyến phố, những phần việc tưởng chừng rất khó như “vấn nạn” trông giữ xe tự phát, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè nhức nhối một thời cũng đã được nhiều địa phương tích cực dẹp bỏ. Gần đây nhất, công an quận Hoàn Kiếm đã "ra tay" xử lý hàng loạt bãi trông xe tự phát, thường xuyên "chặt chém" người dân. Chủ các điểm trông giữ xe thường tận dụng các khoảng vỉa hè, lòng đường để nhận trông giữ xe bị đội lên tới 30.000 đồng/lượt xe máy. Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, tất cả những điểm trông giữ xe tự phát đều bị xử lý nghiêm, phạt kịch khung nhằm tạo tính răn đe không tái vi phạm. Đồng thời, công an quận giao cho Công an các phường quản lý, nếu để xảy ra vi phạm sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

Rõ ràng, chỉ cần tinh thần quyết tâm và hành động quyết liệt, việc xóa đi những lem nhem trên bộ mặt đô thị là việc không hề khó.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: BẢO ANH - HOÀNG LAN