Tuy nhiên, với mưu đồ trở lại xâm lược Việt Nam từ trước, được sự hậu thuẫn của quân Anh, đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp bí mật tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam. Trước hành động xâm lược của địch, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã nhất tề đứng dậy, quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.
 |
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, nhân dân Nam Bộ đã nhất tề nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu
|
Sáng 23-9, các đơn vị tự vệ, thanh niên xung phong tổ chức chiến đấu quyết liệt ở nhiều nơi. Đồng thời, tại một ngôi nhà ở đường Cây Mai, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi), Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ triệu tập hội nghị khẩn cấp, quyết định vừa tiến hành đánh địch, đồng thời báo cáo và xin chỉ thị của Chính phủ; quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn.
Thực hiện nghị quyết của Hội nghị đường Cây Mai, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn đã lãnh đạo nhân dân toàn thành phố tổng đình công, bãi thị, không hợp tác với địch, tổ chức đánh địch, cương quyết chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Theo đó, nhân dân Sài Gòn triệt để bãi công, bãi thị, bãi khóa, không hợp tác với địch, dựng chiến lũy, chướng ngại vật ở khắp nơi. Các đội tự vệ, vũ trang công đoàn, công an xung phong anh dũng chiến đấu, gây cho địch nhiều thiệt hại, bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Đêm 23-9, nhận được điện của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhất trí với quyết định của Hội nghị đường Cây Mai. Sáng 24-9, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền bức điện của Chính phủ chỉ thị cho Ủy ban nhân dân Nam Bộ, kêu gọi đồng bào Nam Bộ đứng lên kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, sáng 24-9, nhân dân và du kích ở vùng Xóm Chiếu, Khánh Hội, Tân Thuận (thuộc vùng bến cảng) kéo nhau về khu Cầu Quây và bốt số 6 gần đó; quân Pháp và Anh đóng ở đó và ở bến Nhà Rồng, hãng Đầu Ngựa xả súng bắn vào đoàn biểu tình; nhiều người chết và bị thương, nhưng đoàn người vẫn tiến lên bao vây đồn Thượng Khẩu, bốt số 6, phá rào, ném lựu đạn, lấy súng địch bắn địch, buộc quân Pháp, Anh phải đầu hàng; giải thoát 70 thanh niên bị địch bắt.
Đồng thời, ở khu vực cầu Măc Mahông (Mac Mahon), cầu Kiện, cầu Bông, cầu Thị Nghè, cầu Muối, du kích chiến đấu quyết liệt gây cho địch nhiều thiệt hại.
Cuộc chiến đấu của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng và Nam Bộ nói chung được đồng bào, chiến sĩ cả nước ủng hộ về mọi mặt, thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam quyết tâm bảo vệ chính quyền và nền độc lập mới giành được. Các lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Bộ là những người đầu tiên và là tuyến tiên phong trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả nước.
Mặc dù vừa mới giành được độc lập, trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng với tinh thần “Độc lập hay là chết”, các chiến sĩ tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, các đội xung phong công đoàn, công an... cùng với toàn thể nhân dân miền Nam đã kiên quyết đứng lên đánh Pháp với những cách đánh linh hoạt, sáng tạo. Cuộc chiến đấu đó có ý nghĩa to lớn, ngăn chặn một bước, giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành nhiệm vụ kìm giữ chúng trong thành phố một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc; đồng thời tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta.
Ngày 23-9 trở thành ngày Nam Bộ kháng chiến và cũng là ngày mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.
LÊ VĂN CỬ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.