Bánh cuốn Thanh Trì là món ăn đã có từ lâu đời, qua nhiều thế hệ, xuất hiện trong nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng như: Tô Hoài, Thạch Lam, Vũ Bằng... Bởi sự nổi tiếng này, năm 2015, món ăn này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Bánh cuốn Thanh Trì”. Từ nhiều năm nay, bánh cuốn Thanh Trì đã trở thành thương hiệu không chỉ của riêng Hà Nội mà còn được "xuất khẩu" đến nhiều địa phương. Ở TP Hồ Chí Minh, hầu như các quận, huyện đều có những quầy hàng mang thương hiệu bánh cuốn Thanh Trì, có khi là một tuyến phố với những dãy hàng bánh cuốn Thanh Trì ở quận 1, khi là cửa hàng hay những quầy bánh nhỏ ven đường, hẻm đông người Bắc sinh sống. Anh Nguyễn Văn Lực, chủ một tiệm bánh cuốn Thanh Trì ở đường Chu Mạnh Trinh, quận 1 chia sẻ: "Khách quen của quán rất đông, nhất là vào buổi sáng, buổi trưa trong ngày. Mỗi ngày, tôi bán hơn 60kg bánh, giò chả. Hồi đầu tôi mở quán ở quận 7 cho gần nhà, sau chuyển qua quận 1 bán đã hơn 10 năm nay".

 

 Quầy bánh cuốn Thanh Trì phục vụ du khách trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh. 

Chưa ai biết bánh cuốn Thanh Trì có mặt ở Sài Gòn xưa và TP Hồ Chí Minh ngày nay chính xác là từ khi nào. Nhưng món bánh cuốn Thanh Trì đã trở thành món ăn quen thuộc và ưa thích của người dân thành phố. Vì thế, trong sự kiện “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” vừa được TP Hà Nội tổ chức trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), quầy hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm bánh cuốn Thanh Trì thu hút rất đông người đến tham quan và thưởng thức, trầm trồ ngợi khen. Chị Đoàn Thị Ngọc Hà (sinh năm 1996, trú tại đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận) bộc bạch: “Bánh cuốn Thanh Trì rất ngon. Với cá nhân tôi thì món bánh này vừa thanh lại thơm hơn bánh cuốn tôi thường được ăn trong miền Nam. Tôi đã nghe nhiều về ẩm thực Hà thành và rất muốn trải nghiệm thêm nhiều món ăn khác. Được trải nghiệm món ăn này là động lực để thời gian tới tôi quyết tâm ra tham quan Hà Nội”.

Bà Vương Thị Kim Loan (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), đời thứ ba trong gia đình có truyền thống làm bánh cuốn Thanh Trì, tâm sự: “Nguyên liệu quan trọng nhất của bánh cuốn là bột gạo tẻ. Gạo được ngâm nước khoảng 3 giờ đồng hồ, xay thành nước rồi để lắng trong khoảng 2 giờ. Tiếp đến, chắt bỏ nước cũ để loại bỏ tạp chất, rồi bắt đầu đong nước mới để pha bột. Nước dùng pha bột phải là nước tinh khiết, không lẫn tạp chất. Lượng nước cũng được đong theo công thức, 100g bột gạo pha với 240ml nước mới bảo đảm nước bột có độ đặc và sánh vừa phải. Bánh phải được tráng mỏng, một đĩa bánh cuốn mỡ hành gồm 13-15 lớp bánh, trung bình 3 lít nước bột phải tráng được hơn 1.000 bánh”.

Bánh cuốn Thanh Trì tại các tiệm bánh ở TP Hồ Chí Minh có giá từ 20.000 đến 40.000 đồng một đĩa. Thớ bánh được tráng mỏng, mềm, ngậy thơm mùi gạo, ăn cùng chả quế và hành phi giòn rụm. Bánh được chấm với nước mắm pha loãng, không quá nhiều vị nhưng hài hòa giữa vị mặn, ngọt, kết hợp với vị chua nhẹ của chanh và vị cay của ớt đỏ. Bánh cuốn Thanh Trì thưởng thức ngon nhất khi tiết trời lành lạnh trong độ thu, đông miền Bắc, bánh vừa mới tráng từ khuôn nóng hổi mang lại cảm giác và hương vị lôi cuốn, khiến cơ thể như được sưởi ấm. TP Hồ Chí Minh đã sang thu, món bánh cuốn Thanh Trì mang đậm chất văn hóa, tinh hoa ẩm thực Hà thành vẫn luôn là hấp lực, làm nức lòng người dân phương Nam.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGÂN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.