Sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được đặt trong không gian của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), bài trí tinh giản với những ụ đất (ê kíp sản xuất chương trình kỳ công mang hơn 5 tấn đất từ chính mảnh đất Đồng Lộc, Hà Tĩnh ra để tạo sức chân thực); đan xen là cây cỏ, những chiếc võng sờn cũ... Chỗ ngồi của khán giả thay vì những hàng ghế là những chiếc thùng, hộp gỗ cũ từng đựng đạn, mìn, lương thực... từ thời chiến tranh, được sơn xanh gợi nhớ khung cảnh sân khấu thời chiến. Điều thú vị, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã tặng ê kíp thực hiện “Huyền thoại tuổi thanh xuân” một vỏ bom ông sưu tầm-mua tại một cửa hàng sắt phế liệu ở ngay chính Ngã ba Đồng Lộc, chở về Hà Nội để sắp đặt mỹ thuật cho chương trình.
 |
Cảnh trong Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân”.
|
Không gian nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân” mở ra, giọng kể chuyện lúc thì thầm, khi sâu lắng của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc (một trong những gương mặt nghệ sĩ thế hệ vàng của sân khấu phía Bắc một thời) đã cuốn người xem vào mạch chuyện. Các lớp kịch diễn ra sinh động, chan chứa tình người, tình đồng đội, vang vọng trong đó âm hưởng hào hùng của bài ca “Cô gái mở đường” át tiếng bom gầm, đạn xé, cho thấy sự lạc quan và niềm tin vào một ngày mai chiến thắng... Ấn tượng và gây xúc động với người xem là đêm cuối cùng trước ngày ra đi, tài sản để lại của họ thật đơn sơ, chỉ là những vật dụng của con gái như cây bút, quyển sổ, chiếc khăn, nhưng trên hết là những nhắn gửi cho người thân, bạn bè, cũng là nhắn gửi cho thế hệ mai sau về khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước cháy bỏng của tuổi trẻ và của cả dân tộc.
Dự án nghệ thuật “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được đạo diễn Lê Quý Dương ấp ủ từ lâu và nhân duyên khi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tin tưởng, tạo điều kiện để chương trình công diễn thường xuyên tại sân khấu của Bảo tàng. Đạo diễn bày tỏ, 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh khi còn đang ở lứa tuổi thanh xuân. Người nhỏ nhất 17 tuổi và người lớn nhất mới 24 tuổi. Do đó, vở kịch truyền đi thông điệp sâu sắc tới các thế hệ trẻ hôm nay rằng: “Hãy sống một đời đáng sống”, trong bối cảnh thế giới vẫn đang có chiến tranh và xung đột tàn khốc.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho hay, điểm nhấn của chương trình chính là tái hiện câu chuyện lịch sử về những phụ nữ Việt Nam anh dũng, phơi phới tuổi thanh xuân, có tinh thần chiến đấu quật cường. Đây là chương trình nghệ thuật làm phong phú hơn các hoạt động của Bảo tàng, thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của phụ nữ Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế.
Bài và ảnh: NGỌC THỦY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.