Sáng tạo, đổi mới đề tài khan hiếm

Tháng 12-2024, nhân kỷ niệm 72 năm thành lập (1952-2024), Nhà hát Kịch Việt Nam đã biểu diễn vở chính kịch kinh điển “Đêm trắng” (kịch bản Lưu Quang Hà; đạo diễn, NSND Nguyễn Xuân Bắc), mang đến cho khán giả Thủ đô cơ hội sống lại những khoảnh khắc lịch sử qua một tác phẩm đầy sức nặng nghệ thuật. Dựa trên câu chuyện có thật trong những năm kháng chiến chống Pháp, “Đêm trắng” tái hiện vụ án tham nhũng đầu tiên trong lịch sử Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nội dung xoay quanh Đại tá Hoàng Trọng Vinh-một cán bộ Quân đội lạm dụng quyền lực để ăn chơi sa đọa, bỏ mặc sự hy sinh của đồng bào và chiến sĩ. Trong bối cảnh cả nước đang dồn sức cho kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải trải qua nhiều đêm trăn trở trước khi đưa ra án tử hình đối với người phản bội lý tưởng cách mạng.

 Cảnh trong vở kịch “Đêm trắng”. Ảnh: TÙNG LINH

Vở kịch không chỉ khắc họa chân dung vị lãnh tụ vĩ đại mà còn truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc: “Trừng trị để giáo huấn”. Bên cạnh đó, “Đêm trắng” còn là lời nhắc nhở về giá trị đạo đức, tinh thần trách nhiệm và sự nghiêm minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Với sự tham gia của hơn 100 nghệ sĩ, diễn viên và kỹ thuật viên, “Đêm trắng” là một trong những vở kịch có quy mô lớn nhất mà Nhà hát Kịch Việt Nam từng dàn dựng trong những năm trở lại đây. Tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024, “Đêm trắng” đoạt huy chương vàng vở diễn và 3 huy chương vàng cá nhân cho Nghệ sĩ Minh Hải (vai Chủ tịch Hồ Chí Minh), NSƯT Trịnh Mai Nguyên (vai Đại tá Hoàng Trọng Vinh) và NSƯT Kiều Minh Hiếu.

“Đêm trắng” từng là một trong những tác phẩm thành công của Nhà hát Kịch Việt Nam, được công diễn lần đầu vào năm 1990 và nhanh chóng tạo nên tiếng vang lớn. TS Cao Ngọc, nhà lý luận phê bình sân khấu nhận xét, trong bối cảnh khan hiếm các vở diễn về đề tài chính luận, việc tái dựng các vở diễn từng tạo tiếng vang trong lịch sử của nghệ thuật sân khấu cũng là điều cần thiết để lớp khán giả ngày hôm nay nhìn lại lịch sử; đồng thời có những chiêm nghiệm với thế sự đất nước hiện nay.

Điểm nhấn nghệ thuật của “Đêm trắng” nằm ở thủ pháp đối lập, làm nổi bật những mâu thuẫn trong câu chuyện. Một bên là hình ảnh bộ đội nhịn đói, vượt rừng trong gian khổ; một bên là bữa tiệc xa hoa, âm nhạc và rượu vang của Hoàng Trọng Vinh. Một bên là sự hy sinh thầm lặng; một bên là sự ích kỷ vô độ. Hiệu ứng này không chỉ tạo nên kịch tính mà còn đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào.

Ngoài ra, đạo diễn Nguyễn Xuân Bắc đã khéo léo khai thác yếu tố hài hước để cân bằng không khí nặng nề của vở diễn. Giữa những cao trào căng thẳng, khán giả vẫn có thể bật cười nhờ những chi tiết đời thường đầy tinh tế. Đây là cách đạo diễn muốn khán giả không chỉ xem mà còn sống cùng tác phẩm.

Giá trị thời đại của các vở diễn chính luận

Năm 2024 vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam có lý do để tự hào khi số lượng khán giả đến xem các vở chính kịch như “Đêm trắng”, “Bão tố Trường Sơn”, “Người tốt nhà số 5”, “Người trong cõi nhớ” ngày càng đông và vô cùng hào hứng. Nổi bật với vở diễn “Bệnh sĩ” của tác giả Lưu Quang Vũ, được đạo diễn Tuấn Hải dàn dựng năm 2014, và đúng tròn 10 năm, tháng 8-2024, Nhà hát đã tổ chức buổi diễn thứ 399. Cho đến nay, “Bệnh sĩ” vẫn luôn “cháy vé” với mỗi suất công diễn.

NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó giám đốc điều hành Nhà hát Kịch Việt Nam, cho biết, dù đề tài có khô khan đến đâu, sân khấu vẫn có thể tìm ra cách tiếp cận khác biệt, hấp dẫn. Quan trọng là phải đầu tư dàn dựng một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng và đổi mới trong cách làm. “Chúng tôi rất vui khi các tác phẩm chính kịch về chiến tranh, cách mạng, đấu tranh chống tham nhũng... nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ khán giả ở nhiều độ tuổi. Để thu hút sự quan tâm của công chúng, công tác truyền thông và quảng bá là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Nhà hát đã xây dựng được một đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp, giúp tác phẩm lan tỏa rộng rãi”, NSƯT Kiều Minh Hiếu chia sẻ.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, tìm đến các sân khấu, khán giả ngày nay vẫn ưu tiên những chương trình, vở diễn mang nhiều yếu tố giải trí, đổi mới trong phong cách thể hiện với kết hợp nghệ thuật trình chiếu... Tuy nhiên, một khi đã từng đến và xem vở diễn về đề tài chính luận, họ sẽ cảm thấy thú vị và dần hình thành thói quen.

“Dòng sân khấu chính luận vẫn có chỗ đứng. Liên đoàn Xiếc Việt Nam và nhiều đơn vị nghệ thuật biểu diễn khác đã thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người nghệ sĩ đối với đất nước, cũng như vai trò giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng, đặc biệt là đối với lớp trẻ. Vì thế, thời gian qua, chúng tôi cũng đã bắt tay dàn dựng những vở diễn về đề tài chính luận, khai thác những đề tài mới, thời sự, đồng thời mong muốn thay đổi cách nhìn nhận của công chúng về nghệ thuật xiếc”, NSND Tống Toàn Thắng cho hay.

Những năm gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã thành công trong việc kết hợp nghệ thuật xiếc với chủ đề chính trị thông qua các chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3-2); các chương trình “Đi cùng năm tháng” vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12) với những vở: “Sống mãi với Điện Biên”, “Ký ức Trường Sơn”, “Biển đảo là quê hương”... luôn nhận được sự chờ đón đầy háo hức từ công chúng.

Không chỉ sân khấu phía Bắc mà các sân khấu xã hội hóa phía Nam-vốn chỉ chú tâm dàn dựng những vở diễn mang tính giải trí-thời gian qua đã đẩy mạnh dàn dựng các vở chính luận. Chẳng hạn Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần, TP Hồ Chí Minh) dựng vở “Bến lửa lòng” đi theo hướng dòng kịch chính luận, tâm lý tình cảm có chiều sâu tư tưởng, từng rất thành công tại Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần vào thời hoàng kim cách đây hơn 20 năm.

Sân khấu Kịch Thiên Đăng, được sáng lập bởi NSƯT Thành Lộc, dù “tuổi đời” hoạt động còn rất mới-năm 2023 cũng ra mắt vở nhạc kịch “Giáng Hương”. Đây là một vở chính kịch tâm lý xã hội, tạo cảm xúc đẹp cho người xem và tạo nên sự lan tỏa mạnh trong cộng đồng những người mê kịch nghệ. Ngay trong lời thoại của vở “Giáng Hương”, đạo diễn Thành Lộc đã nhấn mạnh rằng sân khấu là thánh đường. Nơi đó chỉ dành cho những câu chuyện đẹp, tử tế và không vì bất cứ lý do gì để chạy theo thói quen giải trí rẻ tiền. Khi một tác phẩm thật sự hay ra mắt, họ sẽ mua vé.

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ chia sẻ: “Trong tương lai, tại phía Nam, sân khấu kịch thể loại chính luận sẽ hồi sinh và góp phần vào sự đa sắc của đời sống kịch nghệ chốn này. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển và hỗ trợ các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, chúng tôi cũng chờ đợi được Nhà nước đặt hàng cũng như sự tham gia của các nhà tài trợ và doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng, khi không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn có thể giúp tác phẩm lan tỏa rộng rãi đến công chúng thông qua tài trợ suất diễn, tổ chức các đợt lưu diễn tuyên truyền... Để qua đó, các vở diễn đề tài chính luận luôn mang những giá trị thời đại”.

MINH HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.