Vượt qua những thách thức, 3 năm trở lại đây sân khấu đã được nhiều địa phương chăm lo. Điểm sáng là TP Hải Phòng, mà nổi bật là Chương trình sân khấu truyền hình. Từ chương trình này, các đơn vị nghệ thuật của Hải Phòng đặt ra mục tiêu để nghiêm túc đầu tư vào tác phẩm, vì thế, Hải Phòng đã gặt hái thành công, có nhiều tác phẩm được đầu tư chỉn chu, có tác phẩm đỉnh cao... đã phục vụ rộng rãi mọi đối tượng công chúng. Sân khấu của TP Hồ Chí Minh cũng đáng kể. Sau 2 năm vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, sân khấu nơi đây đã nhộn nhịp trở lại và nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán giả. Đặc biệt, có nhiều nhà hát dựng những vở bán vé trước cả 6 tháng hoặc 1 năm. Nếu như muốn mua vé trước vài ba ngày để đến xem là rất khó - đây là điều đáng mừng, khán giả đã quay trở lại với nôi sân khấu và cũng là nơi náo nhiệt nhất của hoạt động sân khấu.

Đó chính là hai điểm sáng để nhiều tỉnh, thành phố học tập.

Đối với Hà Nội-nơi hội tụ nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu của Trung ương và Hà Nội, đã có nhiều vở diễn được đầu tư hết sức công phu và chỉn chu; cách thể hiện, dàn dựng khác biệt so với những năm trước, nên có sức hút với khán giả. Cần phải nói thêm, bên cạnh những sân khấu công lập thì những sân khấu ngoài công lập đã tự “thức tỉnh”, “đánh thức” khán giả như sân khấu Lệ Ngọc, sân khấu LucTeam... thu hút khán giả bằng những tác phẩm dành cho nhiều đối tượng.

Làm thế nào để khán giả đến với sân khấu, với vở diễn thì vai trò của người lãnh đạo vô cùng quan trọng. Phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể, biện pháp khoa học trong công tác quảng bá tác phẩm. Có tác phẩm chất lượng, đỉnh cao, phù hợp với thời cuộc mà không có phương pháp, biện pháp để quảng bá, thu hút khán giả thì tác phẩm thất bại. Ngoài kịch bản, đạo diễn hay, diễn viên diễn giỏi thì sân khấu không được để cho khán giả nhàm chán; nghĩa là ở mặt thị giác, nếu sân khấu đó không hấp dẫn hơn trong mắt khán giả về không gian, thời gian, hình thức thể hiện sân khấu cũng như cách mời khán giả đến sân khấu thì họ sẽ quay lưng. Ngày nay công nghệ thay đổi như vũ bão, các ngành nghề, lĩnh vực đều thay đổi, sân khấu không thay đổi sẽ thất bại.

Sân khấu đang từng bước khoác lên mình diện mạo mới. Có nhiều đơn vị chịu đầu tư, áp dụng công nghệ mới đưa lên sân khấu, làm đẹp hơn, mới hơn, mang đến công chúng cái nhìn khác hơn trước kia. Trước đây sân khấu giữ lề lối của cũ, người xem dễ đoán kết quả. Đến nay tạo được bất ngờ, sân khấu dẫn dắt người xem hồi hộp, lôi cuốn đến phút cuối cùng. Sân khấu thay đổi mới, các đơn vị chú trọng thay đổi, nhưng lại chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay trong rất đông những đơn vị sân khấu vẫn chưa có nhiều thay đổi. Và như thế, chúng ta đang phí hoài tài năng, sức lao động rất lớn của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên và cả tiền của, cơ sở vật chất.

leftcenterrightdel

 Cảnh trong vở chèo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp” của Nhà hát Chèo Quân đội - công trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: CHÂU XUYÊN

2. Năm nay và năm 2025 có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 với những mong muốn, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ, trong đó có nghệ sĩ của nghệ thuật sân khấu đặt ra những trăn trở. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đưa ra mục tiêu phấn đấu có những tác phẩm phù hợp với đời sống đương đại, song mọi hoạt động không thể bỏ qua công chúng. Xác định như vậy nên trong hai năm qua, Hội đã liên tục tổ chức các trại sáng tác, phát động cuộc thi viết kịch bản sân khấu từ đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời bình, đề tài cho thiếu nhi. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; sang năm 2025 là các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước như 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9... chúng tôi luôn nhìn lại đã làm được gì và tới đây sẽ làm gì. Những dấu son chói lọi của lịch sử cách mạng đất nước đặt ra cho đội ngũ văn nghệ sĩ tâm thế tìm tòi, sáng tạo để làm sao tạo cú hích trong tác phẩm và cả việc thu hút khán giả ở mọi đối tượng quan tâm, đến với sân khấu; xây dựng đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu.

Sân khấu xác định là công cụ để chuyển tải thiết thực những đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; tái hiện, thể hiện rõ nét, cụ thể, sống động và lan tỏa những thời khắc lịch sử của dân tộc. Yêu cầu cấp bách của nghệ thuật sân khấu hiện nay là xây dựng nhiều hơn những tác phẩm đề tài lịch sử, lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, người lính thời bình, gương điển hình tiên tiến - nhân vật trung tâm của sân khấu, để góp phần xây dựng, bồi đắp lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, hun đúc niềm tự hào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tới thế hệ trẻ - đối tượng khán giả trẻ.

Có thể nói, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, văn nghệ sĩ với những kỳ vọng thay đổi đã và đang thay đổi rất rõ nét. Người làm văn học nghệ thuật, trong đó có sân khấu nâng cao trách nhiệm hơn, sáng tạo nên những tác phẩm dẫn dắt định hướng công chúng theo con đường Đảng và Nhà nước mong muốn. Văn học nghệ thuật tiên phong như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

3. Với những tác phẩm sân khấu về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, trước kia hầu hết được các đơn vị nghệ thuật thuộc lực lượng vũ trang chú trọng dàn dựng như sứ mệnh của họ. Những năm gần đây, đề tài này đã được nhiều đơn vị nghệ thuật, nhất là sân khấu xã hội hóa dàn dựng, nhiều vở diễn “cháy vé”, đắt “sô” như “Đêm trắng”, “Bão tố Trường Sơn” của Nhà hát Kịch Việt Nam với hàng trăm buổi diễn trong Nam, ngoài Bắc; Sân khấu Lệ Ngọc với “Lá đơn thứ 72”; Đoàn chèo Hải Phòng với “Mưa đỏ”; “Đất liền và biển cả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa... Đáng chú ý, các tác phẩm đó hầu hết đoạt giải thưởng cao cả về kịch bản, vở diễn, diễn viên trong các hạng mục giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu trao thưởng và các liên hoan sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức trong hai năm qua.

Văn học nghệ thuật vẫn có câu “bánh đúc bày sàng”, sự việc được bày ra rõ ràng, không che đậy giấu giếm, ai làm không hay thì không che đậy gian dối được. Sự công tâm của các nhà thẩm định, ban giám khảo trong chấm giải thưởng cũng là dấu ấn đổi mới để các đơn vị nghệ thuật địa phương quan tâm, chú trọng đầu tư dựng vở có chất lượng ngang tầm với đơn vị Trung ương, Hà Nội. Trước đây, khi đi dự thi thì Trung ương và Hà Nội “chiếm” giải cao nhiều, nhưng giờ đã khác, Hải Phòng từ múa rối, cải lương, chèo đi thi đều đoạt giải cao; Thanh Hóa giải nhất thi chuyên nghiệp sân khấu chèo với vở diễn ca ngợi hình tượng người lính thời bình... Địa phương đầu tư đúng tầm, đúng mức, đúng hướng thì gặt hái được thành quả.

Sự tìm tòi đổi mới, sáng tạo, tâm huyết của nghệ sĩ cùng sự quan tâm, đầu tư đúng mức, có trọng tâm, trọng điểm của các địa phương, đơn vị nghệ thuật cũng như sự công tâm, khách quan, chuẩn mực, lành nghề của đội ngũ thẩm định chắc chắn sẽ tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ sân khấu đầu tư và cống hiến. Hứa hẹn có những tác phẩm giá trị, mang hơi thở thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân TRỊNH THÚY MÙI, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.