Cũng giống các loại sách khoa học ở những lĩnh vực khác, nguồn bản thảo sách nghiên cứu văn học (NCVH) chủ yếu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học NCVH. Số lượng sách NCVH xuất bản hằng năm ít, không thể so bì với loại sách văn học khác bởi đặc thù loại sách này chỉ dành cho lượng độc giả khiêm tốn, đã vậy lại còn tiêu thụ chậm, thu hồi vốn lâu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sách của một số nhà NCVH uy tín hàng đầu in chừng 2.000 bản, phải mất khoảng 3 năm mới tiêu thụ hết. Chính vì thế, các đơn vị làm sách không mấy mặn mà đầu tư tổ chức bản thảo, đặt hàng tác phẩm.     

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật trao tặng sách nghiên cứu về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.Ảnh: GIAO LINH. 

Chiếm số lượng nhiều nhất là những cuốn sách thoát thai từ các công trình NCVH. Từ các luận văn, luận án được bảo vệ, đề tài nghiên cứu các cấp sau khi được nghiệm thu, tác giả hoặc nhóm tác giả sẽ chỉnh lý xuất bản thành sách. Các đơn vị làm sách khá yên tâm với nội dung vì có hội đồng chuyên ngành đánh giá, phản biện, nghiệm thu. Khi đó, công việc của BTV không hề vất vả, chỉ đơn giản là trao đổi với tác giả về bố cục, chỉ biên tập sơ bộ, có chăng chú ý về tính chính xác của câu chữ, chú thích, làm chỉ mục (index).

Với những cuốn sách NCVH là công trình độc lập do các tác giả, dịch giả gửi đến để xuất bản, câu chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều. Nếu tác giả là nhà NCVH, dịch giả công tác lâu năm ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, bản thân họ là những nhà khoa học, tác phẩm họ viết hay dịch thuật công trình NCVH nước ngoài, có chất lượng tương đối tốt. Vì nếu chất lượng tác phẩm không cao, có sai sót sẽ ảnh hưởng đến uy tín học thuật cả đời gây dựng. Chính vì vậy, các BTV thường chủ quan, quá tin tưởng vào uy tín học thuật của tác giả mà không chú ý những sai sót, nhầm lẫn đáng tiếc. Bằng chứng là có công trình văn học sử của một vị giáo sư khả kính tái bản gần 10 lần, song qua các lần tái bản vẫn còn đó những chi tiết không chính xác xuất hiện từ bản in đầu tiên, điều này chứng tỏ BTV ở các lần tái bản không đọc kỹ bản thảo.

Chuyện sai sót, nhầm lẫn trong công trình NCVH là không thể tránh khỏi, đặc biệt nếu chỉ do một người viết, không có người đọc chéo, không có người phản biện. Nếu BTV không có hiểu biết sâu về văn học, đương nhiên không thể phát hiện ra những sai sót về mốc thời gian, đặc trưng thể loại, mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm... Mặt khác, khoa văn học ngày nay phát triển theo xu hướng liên ngành, kết hợp phương pháp tiếp cận, nghiên cứu. Nếu không phải là người được đào tạo chuyên môn bậc đại học về văn học, BTV gần như không có khả năng đặt hàng, định hướng bản thảo chứ đừng nói đến vấn đề biên tập nội dung.

Với những tác phẩm NCVH mà tác giả không phải nhà khoa học, đòi hỏi BTV phải ra sức làm việc nhiều nhất. Tác giả thường là nhà văn, nhà giáo, nhà báo viết lịch sử, phê bình văn học, những người yêu văn học có hứng thú bàn luận văn chương... Nội dung những tác phẩm này không chỉ rất dễ mắc nhiều sai sót về kiến thức mà quan điểm, tư tưởng thông qua thẩm bình tác phẩm đôi khi “có vấn đề”. Chẳng hạn, nhiều cây bút “tay ngang” ngợi ca những tác phẩm xấu độc, dùng những lời lẽ và giọng điệu không mấy lịch sự để miệt thị tác phẩm đồng nghiệp mà không dựa vào sức thuyết phục lý lẽ... Đây chính là lúc vai trò của các BTV được phát huy để sửa chữa sai sót, trao đổi thuyết phục tác giả phải bỏ đi những bài viết, câu văn không hay, không tốt, thậm chí là có hại khiến tác phẩm không thể phổ biến. Tác giả nào cũng mang tâm lý “văn mình vợ người”, thế nên muốn thuyết phục những người viết NCVH dù là tay ngang nghe lời tư vấn cho cuốn sách ra đời suôn sẻ thì BTV phải có nền tảng kiến thức vững chắc để thuyết phục theo kiểu “nói phải củ cải cũng nghe”.

Đáng lo ngại nhất về chất lượng biên tập tác phẩm NCVH hiện nay là biên tập bài viết trên các tờ báo, tạp chí. Cơ quan báo chí nào có BTV “cứng cựa” thì yên tâm đã có người “gác cửa” chống sai sót, có thể đặt bài viết chất lượng. Ngược lại, nếu giao việc cho người làm biên tập không có chuyên môn theo kiểu lấp chỗ trống thì mảng NCVH thường chỉ là những bài viết vô thưởng vô phạt, thậm chí vô tình tuyên truyền tác phẩm xấu độc khiến việc định hướng công chúng tìm đến các giá trị chân thiện mỹ trong văn học không đạt được mục đích.

Hiện nay chỉ có Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn hằng năm, nhằm nâng cao chất lượng biên tập của các đơn vị xuất bản, cơ quan báo chí. Cách làm này đương nhiên cần duy trì nhưng không phải là yếu tố quyết định. Cốt lõi vẫn là khả năng tự nâng cao trình độ của các BTV. Nhưng kiến thức văn học không thể ngày một ngày hai mà nâng cao lên. Do vậy, việc tuyển dụng, bố trí nhân sự được đào tạo bài bản mới bảo đảm chất lượng biên tập tác phẩm NCVH trên các phương tiện thông tin đại chúng.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG