Nhân Ngày quốc tế dịch thuật (30-9), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS, dịch giả Trần Văn Công, Trưởng khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội các trường giảng dạy văn học và khoa học nhân văn Pháp ngữ, về vị trí, vai trò của dịch thuật văn học.
Phóng viên (PV): Có ý kiến cho rằng: Để hiểu văn hóa quốc gia, căn tính dân tộc, văn học là một phương tiện để khám phá. Nhưng trở ngại là sự khác biệt ngôn ngữ. Vậy, dịch thuật văn học có vai trò như thế nào trong giao lưu, tiếp biến văn hóa?
 |
TS, dịch giả Trần Văn Công (bên phải) thỉnh giảng ngôn ngữ và văn chương tại Indonesia.Ảnh do nhân vật cung cấp. |
TS Trần Văn Công: Chúng ta đều biết rằng văn học là “bức tranh” đầy đủ và sinh động nhất về tất cả hoạt động trong đời sống của mỗi dân tộc. Qua văn học, độc giả có thể khám phá ra cả một chặng đường lịch sử của một đất nước, những nét đặc trưng về xã hội, văn hóa, nghệ thuật, tư duy, triết học và thẩm mỹ ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Đơn cử, các tác phẩm văn học Pháp như “Trường ca Roland” làm toát lên không khí hào hùng của thời trung cổ với những hiệp sĩ đẹp cả về thể chất lẫn tâm hồn và khí phách. Những tác phẩm của Diderot, Montesquieu, Rousseau là minh chứng cho tư tưởng triết học dẫn đường cho cách mạng tư sản Pháp...
Tuy nhiên, không phải độc giả nào cũng có thể tiếp cận với các tác phẩm văn học do nhiều lý do. Ngay cả khi sách ngoại văn được nhập về cũng ít có người đọc và cảm nhận được vì đặc trưng của văn học là mang nhiều tầng lớp ngữ nghĩa, là các thủ pháp tu từ, là cách chơi chữ, là lối diễn đạt không phải lúc nào cũng giống như trong các giáo trình dạy tiếng. Chính vì vậy mà các dịch giả đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải những giá trị “chìm và nổi” của các tác phẩm văn học, đưa một nền văn hóa nước ngoài đến với công chúng, góp phần tạo nên sự thay đổi của nền văn học tại đất nước tiếp nhận. Ở Việt Nam, trước khi chữ Quốc ngữ được sử dụng chính thức, văn học Trung Quốc đã du nhập thông qua các bản dịch từ chữ Hán sang chữ Nôm, đưa độc giả Việt Nam đến gần với đạo Lão và những học thuyết của Khổng Tử. Tản Đà đưa độc giả đến với các bản dịch thơ Đường với những quy tắc niêm luật chặt chẽ. Văn xuôi của Trung Quốc được nhiều dịch giả như Phan Kế Bính, Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt chọn dịch để giới thiệu với công chúng.
Khi thực dân Pháp đô hộ nước ta, nền giáo dục Pháp được áp đặt ở các thành phố lớn, cho ra đời thế hệ dịch giả đầu tiên đưa văn học Pháp đến với người Việt. Năm 1907, có một cuộc họp với sự tham gia của 300 dịch giả để bàn về hướng đi cho dịch văn học. Một số nhà văn, dịch giả thậm chí còn xác định dịch văn học Pháp để làm mẫu cho các nhà văn Việt Nam sáng tác. Trong suốt thế kỷ 20, nhiều tác phẩm thơ và tiểu thuyết tiếng Pháp được dịch sang tiếng Việt và dần dần có ảnh hưởng tới lối viết, tư duy thẩm mỹ, nhân sinh quan của các nhà văn Việt Nam. Văn học hiện thực Việt Nam thế kỷ 20 với các tác giả như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân... dường như mang những nét đặc trưng của các nhà văn Pháp thế kỷ 19 như Maupassant, Daudet. Các nhà thơ lãng mạn như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư... chịu ảnh hưởng nhiều từ Baudelaire, Lamartine.
Như vậy, vai trò của dịch giả không chỉ là chuyển ngữ mà còn là truyền tải một nền văn hóa, định hướng cho sáng tác văn học nghệ thuật.
PV: Từ kinh nghiệm cá nhân cũng như quan sát đồng nghiệp, ông thấy để trở thành dịch giả cần những phẩm chất gì?
TS Trần Văn Công: Dịch văn học là một công việc rất khó vì nhiều khi người dịch đọc văn bản gốc, hiểu được nó nhưng không phải lúc nào cũng tìm được từ tương đương để diễn đạt đúng ý, đúng văn phong, đúng nhịp văn của tác giả. Điều này không chỉ đòi hỏi người dịch phải có kiến thức thật chắc trong cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích mà còn phải có phông kiến thức văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ sâu rộng, phải làm chủ các biện pháp tu từ để diễn đạt được đúng ẩn ý của tác giả.
Dịch giả cũng cần thường xuyên tiếp xúc với người bản ngữ gốc hoặc nghe đài, xem ti vi sử dụng ngôn ngữ gốc để biết được những lối nói không được dạy ở nhà trường nhưng lại hay dùng trong cuộc sống, tránh tình trạng dịch từ vô nghĩa, không ăn nhập với ngữ cảnh. Và một điều đặc biệt quan trọng nữa là khả năng cảm thụ văn học, hiểu được độ vênh tinh tế về sắc thái của các từ đồng nghĩa, hiểu được ẩn ý của tác giả để thể hiện ẩn ý đó trong bản dịch. Ngoài ra, cũng cần phải yêu văn học, kiên trì và chịu khó thì mới làm được công việc này.
Thực tế chứng minh, có nhiều người trình độ ngoại ngữ rất tốt nhưng họ thừa nhận rằng họ không thể dịch được văn bản văn học. Hiện các trường đại học đào tạo ngoại ngữ đều có học phần dịch nhưng chỉ là các văn bản phi văn học vì rất ít sinh viên hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để học dịch văn học. Chưa kể rất ít giáo viên dạy dịch có trải nghiệm dịch văn học để có thể truyền đạt các kỹ năng cảm thụ và dịch cho sinh viên. Ngay như tại Trường Đại học Hà Nội-nơi duy nhất ở Việt Nam có chương trình đào tạo tiếng Pháp định hướng biên phiên dịch ở trình độ thạc sĩ, học viên cũng chỉ được học một học phần dịch văn học. Sự rèn luyện của mỗi cá nhân học viên là thiết yếu để có thể trở thành dịch giả thực sự. Chúng tôi rất vui khi thấy các học viên học xong chương trình này đa số được tuyển vào các nhà xuất bản để vừa làm dịch giả vừa làm biên tập viên.
PV: Nhiều lần tôi được nghe không ít dịch giả phàn nàn thu nhập từ công việc này không cao. Ông có lo ngại điều này sẽ cản trở những người có khả năng dịch văn học dấn thân cho nghề nghiệp?
TS Trần Văn Công: Thù lao cho việc dịch văn bản văn học hiện thấp hơn thù lao dịch các văn bản phi văn học cho dù dịch văn học khó hơn nhiều. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người trẻ tuổi đi theo con đường này và có những thành công nhất định. Nếu không yêu sách, yêu văn học, yêu việc dịch thì sẽ không thể làm tốt và sẽ không thể sống bằng nghề này. Đối với những dịch giả chuyên nghiệp thì lại khác. Khi họ có trình độ cao, kỹ năng dịch tốt thì có thể làm việc cho các đơn vị xuất bản hưởng lương theo chế độ chuyên gia, dịch số lượng trang đáng kể mỗi tháng và họ có thể sống tốt bằng nghề này.
PV: Hiện có nghịch lý, văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Việt nhiều trong khi ngược lại văn học Việt Nam đi ra nước ngoài rất ít. Theo ông, “điểm nghẽn” nằm ở đâu?
TS Trần Văn Công: Theo tôi thì có nhiều lý do khiến văn học Việt Nam ít được dịch và xuất bản ở nước ngoài. Thứ nhất, cho đến nay vẫn chưa có một chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, đi kèm với kinh phí hỗ trợ hoạt động xuất bản. Thứ hai, lựa chọn được một tác phẩm văn học Việt Nam có chất lượng quốc tế cả về nội dung và phong cách viết, có khả năng thu hút được sự chú ý của độc giả nước ngoài không phải là điều đơn giản. Thứ ba, ít có dịch giả nào diễn đạt bằng tiếng nước ngoài trôi chảy và tự nhiên như diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ. Bản dịch sẽ phải được hiệu đính bởi chuyên gia giỏi cả hai ngôn ngữ, khiến chi phí xuất bản sẽ bị đội lên rất nhiều.
PV: Hội Nhà văn Việt Nam đang có ý định tổ chức dự án giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Ông có thể cho biết kinh nghiệm của các nước giới thiệu quảng bá văn học như thế nào?
TS Trần Văn Công: Một số nước có chính sách hỗ trợ dịch và xuất bản sách của họ ra nước ngoài. Ví dụ, Trung tâm sách quốc gia Pháp hằng năm cấp ngân sách hỗ trợ các nhà xuất bản Việt Nam mua bản quyền, trả cho dịch giả, thậm chí là cả quá trình xuất bản cuốn sách. Tương tự, Quỹ Tổng thống Nga tài trợ để dịch văn học Nga tại 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu Hội Nhà văn Việt Nam hay bất cứ một tổ chức nào cũng làm được điều tương tự thì rất tốt, miễn là những cuốn sách được tài trợ phải được một ủy ban tuyển chọn vừa có chuyên môn cao, vừa công tâm lựa chọn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)