Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một chương trình tọa đàm về văn học trinh thám. Sự kiện này được thực hiện nhân dịp nhà văn trinh thám Nauy Oystein Torsrud sang giao lưu với độc giả Việt Nam theo lời mời của Công ty sách Liên Việt (đơn vị chuyển ngữ và phát hành tiểu thuyết “Cơn bão” của ông), cũng như lần đầu tiên tiểu thuyết trinh thám Việt Nam “Trại Hoa Đỏ” của nhà văn Di Li được Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam chuyển thể thành Premium Original Series. 

Trong các thể tài văn học giải trí, văn học trinh thám luôn được coi là một thể loại đặc biệt. Với độc giả Việt, các sách trinh thám, ly kỳ có một chỗ đứng quan trọng, tuy không phải lúc nào cũng ồn ào. Văn học trinh thám Việt Nam đã bắt đầu nhen nhóm từ những năm 30 của thế kỷ trước với sự xuất hiện của những nhà văn như Phạm Cao Củng, Thế Lữ.

Hiện nay, số lượng các nhà văn viết trinh thám ngày càng tăng lên. Nguyên nhân là do trinh thám hiện đại đã trở nên vô cùng khác biệt so với truyền thống truyện điều tra thám tử - tội phạm kinh điển. Ngày nay, một tác phẩm trinh thám bất kỳ đều có thể chuyển tải những giá trị nhân văn. Yếu tố trinh thám đã được các nhà văn, các nhà làm phim trên khắp thế giới khai thác như một công cụ đắc lực để truyền tải các thông điệp nghệ thuật.

Quang cảnh buổi tọa đàm. 

Không chỉ gia tăng số lượng các nhà văn viết trinh thám mà sự quan tâm về mặt chuyên môn cho thể loại này cũng được tăng lên. Bên cạnh đó, các kỹ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện của văn học trinh thám hiện đại đều rất đặc sắc, dễ áp dụng cho mọi thể loại hư cấu khác, để các tác giả chuyên nghiệp và bán chuyên có thể khai thác mạnh mẽ cho nghiệp vụ của mình.

Tuy nhiên hầu như chưa có một cuộc tọa đàm nào hoàn chỉnh về văn học trinh thám tại Việt Nam đề cập đến những tiêu chí của dòng văn học này cũng như dòng chảy mới của văn học trinh thám Đông và Tây. 

Các đại biểu trao đổi về các chủ đề liên quan đến văn học trinh thám hiện đại tại tọa đàm.

Bằng góc nhìn tiếp cận từ văn hóa và nghiệp vụ, buổi tọa đàm đã thảo luận về các chủ đề, đó là: Lý giải tại sao văn học trinh thám ở Việt Nam vẫn còn non trẻ; sự khác nhau giữa trinh thám Đông và Tây, giữa nền trinh thám hiện đại và truyền thống; khả năng khai thác thế mạnh của thể loại dành cho những người cầm bút ở Việt Nam trong lĩnh vực sáng tác tiểu thuyết nói chung.

Cùng với đó, các vấn đề chuyên môn như: Khác biệt trong thưởng thức trinh thám hiện đại và cổ điển, khả năng xuất bản quốc tế, khả năng áp dụng các kỹ thuật kể chuyện của văn học trinh thám cũng đã được làm rõ.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, hai tập đầu của bộ phim “Trại Hoa Đỏ” đã được Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam trình chiếu tới khán giả.

Tin, ảnh: TRẦN YẾN