Dự án sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp” bắt đầu vào năm 2022, dưới sự chủ trì của Công ty Cổ phần Xây dựng kiến trúc AA cùng sự tài trợ của Tập đoàn Sun Group, ông Maurice Nguyễn-chắt của kiến trúc sư (KTS) danh tiếng Francois Charles Lagisquet (một trong những KTS thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội). Cuốn sách được thực hiện bởi một ban cố vấn hùng hậu về nội dung và viết tiếng Việt bởi TS, nhà nghiên cứu, KTS Trần Quốc Bảo, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và dịch sang tiếng Pháp bởi dịch giả Thẩm Yến Linh; chủ nhiệm dự án là họa sĩ Trần Hải Anh, Việt kiều Pháp.

Giống như một sử ký Hà Nội được viết bằng nghệ thuật kiến trúc, cuốn sách đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp của kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ, bao gồm: Phần 1: Kiến trúc Thăng Long-Hà Nội xưa; phần 2: Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình là Beaux-Arts, Art Deco, Đông Dương, kiến trúc Pháp thuộc thời kỳ đầu, kiến trúc thép, Gothique; phần 3: Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954. Cuốn sách đưa người đọc du hành ngược thời gian, trở về với Hà Nội của thế kỷ 19-20, đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội qua các thời kỳ, đặc biệt là các công trình thời Pháp thuộc như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện Trường THPT Chu Văn An...

Các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư đánh giá cao sự sáng tạo của ekip dự án sách về kiến trúc Hà Nội. 

TS, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam viết trong lời mở đầu của cuốn sách: “Với cách thể hiện cô đọng, xuyên suốt, mô tả khá rõ con đường thăng trầm đã đi qua của kiến trúc Hà Nội, cùng với năng lực và tâm can của người viết, cuốn sách này đã đạt được mục đích: Đóng góp nhành hoa quý trong vườn hoa văn hóa xứ sở ngàn năm văn hiến, góp phần hữu ích cho sự cảm nhận chuyên môn sâu sắc”. 

Chủ nhiệm dự án, họa sĩ Trần Hải Anh bày tỏ, khi mới nghe về chủ đề kiến trúc thời Pháp thuộc ở Hà Nội, một người sinh ra và lớn lên ở Pháp như chị không mấy hào hứng. Chỉ đến khi bắt đầu trò chuyện với TS, KTS Trần Quốc Bảo và đồng hành với anh Lê Hoàng chụp ảnh các công trình, chị mới thực sự hiểu và nhận ra điều gì đó rất Việt Nam trong những công trình được gọi là phong cách Pháp. “Tôi hiểu rằng các KTS thời đó đã phải thích nghi với khí hậu và văn hóa bản địa ra sao, để kiến trúc Hà Nội mang sự độc đáo, uyển chuyển trong từng chi tiết. Cá nhân tôi rất biết ơn toàn bộ ekip thực hiện đã giúp mình hiểu hơn về Hà Nội, gắn bó hơn với quê hương, đất nước Việt Nam”, họa sĩ Trần Hải Anh chia sẻ. 

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.