GS Hoàng Đạo Kính quê ở đất Kẻ Lủ (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), mảnh đất nổi tiếng sinh ra nhiều nhân tài. Kẻ Lủ được mệnh danh là làng “đẻ quan, đẻ trạng”. Ông là con trai nhà cách mạng, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, cháu nội chí sĩ yêu nước Hoàng Đạo Thành. Truyền thống của quê hương, của gia đình góp phần tạo nên một “nội lực” đặc biệt trong ông.
Sự nghiệp của KTS Hoàng Đạo Kính phủ rộng, trải dài từ Bắc vào Nam với công việc bảo tồn và tu bổ nhiều hệ thống di tích điển hình ở Hà Nội, Huế, Hội An, Mỹ Sơn... Ở bề sâu, ông gắn bó sâu nặng với nơi “chôn nhau cắt rốn” Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt dành cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố ngàn năm. Làm một phép liệt kê tương đối dễ thấy cả một thành tựu đáng nể của KTS Hoàng Đạo Kính. Tiêu biểu có thể kể đến những đóng góp của ông với vai trò chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đặc biệt còn có Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội... Đây đều là những di tích tiêu biểu định danh cho những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn của Hà Nội qua thời gian.
 |
GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính nhận Giải thưởng Lớn, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2024. |
Điển hình như đình Tây Đằng (một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam, ngót 500 năm tuổi nằm ở huyện Ba Vì) là một trong những di tích đầu tiên của Hà Nội mà KTS Hoàng Đạo Kính phụ trách việc trùng tu ở thời điểm ông còn rất trẻ (vào cuối những năm 1970). Đây cũng là công trình trùng tu khoa học đầu tiên ở Việt Nam đối với một di tích kiến trúc gỗ. Nhiều giải pháp kỹ thuật được đưa ra đối với việc trùng tu đình Tây Đằng, như hạn chế tối đa sự thay thế; nếu cấu kiện nào bị hư hại thì tu sửa theo kỹ thuật truyền thống “chắp-vá-nối” để giữ lại; cấu kiện nào không thể giữ lại được thì thay thế bằng loại gỗ tương tự, lặp lại hình dáng của cấu kiện gốc...
Với việc bảo tồn và trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội, KTS Hoàng Đạo Kính cũng đặt ra vấn đề thống nhất với quan điểm bảo tồn di tích và di sản văn hóa xuyên suốt trong sự nghiệp của ông: Bảo tồn di tích quan trọng nhất là giữ gìn tính nguyên gốc. Tu bổ, nâng cấp phải khắc phục được tình trạng xuống cấp và khẳng định giá trị hiện hữu của Nhà hát Lớn Hà Nội. Phải làm cho di tích khỏe hơn, đẹp hơn và giữ được tối đa những giá trị nguyên gốc. Ông kể: “Khi thực hiện, chúng tôi chủ trương giữ lại tối đa những dấu ấn thuộc về quá khứ, từ cách lợp mái bằng ngói Ardoise đến việc lắp các thiết bị hiện đại. Chúng ta vào Nhà hát Lớn Hà Nội hôm nay, trong cảm quan sẽ không thấy có quá nhiều sự thay đổi. Nhưng thực chất, công việc trùng tu đã đặt vào nó hàng trăm tấn thiết bị hiện đại vừa đáp ứng được yêu cầu tu bổ, vừa nâng cấp được chức năng của công trình này. Hiện nay, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một công trình phục vụ tốt những nhu cầu hiện đại mà vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu của nó từ bên ngoài tới bên trong”.
Kể ra như vậy để thấy, hầu hết những công trình trùng tu di tích của Hà Nội mà KTS Hoàng Đạo Kính đã gửi trọn tâm huyết cả đời như một minh chứng điển hình và xác đáng để trở thành những hình mẫu về phương pháp tiếp cận, quan điểm khoa học đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Bài và ảnh: MINH THÔNG - NGUYỄN HÒA
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.