“Xưa ơi là xưa” là bộ sách tranh cổ tích Việt Nam song ngữ tranh (Anh-Việt) gồm 3 tập tương ứng với 3 đề tài chính: “Thiếu niên anh hùng”, “Vượt qua nghịch cảnh - Bồi dưỡng nhân cách”, “Những tấm lòng vàng”. Theo 3 đề tài này là các câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam như: Cây tre trăm đốt, Bánh chưng bánh giầy, Tích Chu… mang đến cho trẻ một phương pháp rất bản địa, gần gũi để trau dồi tiếng Anh và có những giây phút học tập vui vẻ, sáng tạo đầy hứng thú. Bộ sách giúp bồi dưỡng tình yêu quê hương, biết quý trọng truyền thống văn hóa đất nước. Đồng thời, đây cũng là món quà thể hiện sự quan tâm, gắn kết bố mẹ và con cái.
 |
3 phiên bản của Xưa ơi là Xưa được phát hành chính thức bằng tiếng Anh trên Amazon.
|
Những câu chuyện cổ tích Việt Nam đầy màu sắc kết hợp với lối kể chuyện hấp dẫn, có vần điệu đã góp phần tạo nên sự gần gũi, dễ nhớ cho trẻ em khi tiếp cận với ngôn ngữ mới. Mỗi cuốn đều bao gồm 32 trang sách tương ứng với 3 truyện khác nhau thuộc cùng chùm chủ đề. Đặc biệt, nhằm phát triển đồng đều các kỹ năng nghe - nói - đọc tiếng Anh của trẻ nhỏ, bộ sách còn được trang bị thêm phần QR code audio nghe truyện và bộ thẻ flashcard từ vựng.
Trẻ sẽ không chỉ học được tiếng Anh mà còn có cơ hội được phát triển IQ - EQ qua những trò chơi tương tác đa dạng cuối sách. Đồng thời để các bé có thể tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất, ngoài phần dịch song ngữ, bộ sách còn có phần chú thích đối với những từ vựng khó và hình ảnh minh họa đi kèm.
Phát hành quốc tế
Điều đặc biệt, phiên bản tiếng Anh của ấn phẩm này đã được bán trên Amazon trong thời gian gần đây. Cho đến nay, sách đã bán được hơn 200 bản sách điện tử qua Amazon. Việc sách "Xưa ơi là xưa" được bán ra nước ngoài không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực và đầu tư của các nhà xuất bản, mà còn đòi hỏi sự tìm hiểu và hiểu biết sâu về thị trường và người đọc quốc tế.
Bà Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Sản xuất công ty Sách Linh Lan, đơn vị của bộ sách "Xưa ơi là xưa", cho biết, quyết định đưa sách "Xưa ơi là xưa" ra nước ngoài là một bước đi mạo hiểm, nhưng cũng là một cơ hội để tạo dấu ấn văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Bà cũng nhấn mạnh rằng việc phát hành phiên bản tiếng Anh của bộ sách trên Amazon là một cơ hội để chia sẻ những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam với độc giả quốc tế.
 |
Bộ truyện cổ tích được minh họa sắc sét, sống động với hai ngôn ngữ Anh - Việt.
|
Bà Nguyễn Bảo Ngọc chia sẻ rằng quá trình đưa sách ra nước ngoài đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc. Công ty Sách Linh Lan đã tiến hành việc dịch thuật chính xác từ nguyên tác tiếng Việt sang tiếng Anh để đảm bảo rằng cốt truyện và thông điệp của sách được truyền tải đúng ý. Đồng thời, công ty đã chú trọng vào thiết kế và trình bày sách để tạo nên một sản phẩm hấp dẫn và chuyên nghiệp, thu hút sự quan tâm của người đọc quốc tế.
Khi được hỏi về đánh giá về tiềm năng của sách Việt Nam trên thị trường quốc tế, bà Nguyễn Bảo Ngọc cho biết rằng: “Sách tranh Việt Nam có những điểm độc đáo và hấp dẫn, khác biệt so với sách của các nước khác. Chúng tôi đã từng bán được một số ấn phẩm đến tay người đọc ngoại quốc mà không phải gốc Việt. Điều này kích thích chúng tôi tìm hiểu. Với “Xưa ơi là xưa”, các câu chuyện cổ tích Việt Nam mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc và sự đa dạng về nhân vật, tạo ra sự hứng thú và tò mò cho độc giả quốc tế. Việc tiếp cận với sách Việt Nam cũng giúp trẻ em nước ngoài hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, góp phần xây dựng cầu nối văn hóa giữa các quốc gia”.
Gần đây, khi Amazon mở dịch vụ tự xuất bản KDP, rất nhiều tác giả Việt Nam đã thử sức với môi trường “biển lớn”. Tuy nhiên, một cách chính thống hơn, Công ty Sách Linh Lan cũng như một số đơn vị khác đang đẩy mạnh việc xuất bản và phân phối sách tranh Việt Nam ra thị trường quốc tế, trong đó không chỉ người Việt ở nước ngoài, mà còn là chính những người ngoại quốc thông qua các kênh trực tuyến và cửa hàng sách đối tác.
 |
Khán giả quốc tế có thể tiếp cận bộ sách bản điện tử trên nền tảng Amazon. |
Bà Nguyễn Bảo Ngọc cũng bày tỏ hy vọng rằng việc xuất bản sách tranh Việt Nam ra thế giới không chỉ là một xu hướng tạm thời, mà sẽ trở thành một phong trào lan rộng, góp phần nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của ngành xuất bản sách Việt Nam trên trường quốc tế. Bà Nguyễn Bảo Ngọc nhận thức rõ ràng để đạt được mục tiêu này, cần có sự đầu tư và hỗ trợ từ phía chính phủ và các tổ chức liên quan. Cần tạo ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính và quảng bá để nhà xuất bản và tác giả Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu sách Việt.
NHẬT TÂM