Ngày 25-4, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban Biên soạn và Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu Tập 22 công trình sách “Ký ức người lính”. Tập sách được thể hiện từ các tác giả là tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo, gồm 54 bài viết, là các câu chuyện có thật được các nhân chứng viết lại, kể lại. Tập sách đầu tư chỉn chu cả về nội dung và hình thức.

Công trình sách "Ký ức người lính" Tập 22.

Cuốn sách tái hiện lịch sử, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng và phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, Biệt động thành - những người chiến sĩ giữa lòng đô thị, sẵn sàng hy sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đội ngũ biên soạn đã ghi chép, giải mã ký ức, xác minh cứ liệu lịch sử, kết nối nhân chứng, tái hiện mạng lưới chiến đấu của các Đội 3, Đội 4, Đội 5, Đội 159... và các đơn vị bảo đảm A20 - A30, những tổ chức bí mật, đóng vai trò sống còn trong các trận đánh lớn như: Tập kích kho bom Phú Thọ Hòa (1954), Đánh chìm tàu USNS Card (1964); tiến công Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất trong Xuân Mậu Thân 1968…

Đồng chí Lê Doãn Hợp nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban Chỉ đạo công trình sách phát biểu tại chương trình.

Những hầm chứa vũ khí được ngụy trang kín đáo, tinh vi ngay giữa lòng đô thị, giữa mũi súng kẻ thù. Những đường dây giao liên xuyên qua Củ Chi - Gò Vấp - Bến Cát - Trảng Bàng; những người mẹ, người vợ đã vượt qua nỗi sợ hãi mất người thân và bị địch khủng bố để ủng hộ, động viên chồng, con, em mình hoạt động. Và ở đó còn có những người dân đã cưu mang, chở che cho những chiến sĩ biệt động như chính người thân của mình... Tất cả được khắc họa trong một kết cấu chặt chẽ, cảm động và giàu tính sử liệu.

 Các tác giả, nhân chứng lịch sử giao lưu với bạn đọc.

Tập 22 “Ký ức người lính” góp phần minh chứng cho chân lý: Không có chiến thắng nào là ngẫu nhiên, không có tự do nào là tình cờ, mà tất cả đều được trả giá bằng nước mắt, máu xương với tình yêu Tổ quốc đến tận cùng. Lực lượng Biệt động thành, những người đã chiến đấu không vì tên tuổi, không vì danh vọng, đã hy sinh trong thầm lặng, nay được gợi lại, viết lại, trân trọng đặt vào vị trí xứng đáng trong lịch sử dân tộc.

Cuốn sách như một lời nhắc nhở, một sự tri ân, một ngọn lửa không tắt trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Phát biểu tại chương trình, Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban Chỉ đạo công trình sách chia sẻ: “Cuốn sách là sự tiếp nối giá trị của 21 tập trước đó, nhưng lần này, chúng tôi dành riêng một tập để tưởng niệm, tri ân, để ngợi ca, để kể lại bằng lời - bằng ký ức - về một lực lượng từng khiến đối phương kinh hoàng nhưng lại được nhân dân chở che như máu thịt của mình. Biệt động Sài Gòn - những người lính không quân phục, không doanh trại… nhưng có cả Tổ quốc trong tim.

Ông Trần Vũ Bình, con trai của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai - nhân vật tiêu biểu trong cuốn sách.

Tập sách lần này không chỉ ghi chép lại các trận đánh, mà còn dựng lại một bức tranh lịch sử về chiến tranh đô thị - một dạng chiến tranh đặc biệt trong lịch sử chiến tranh nhân dân. Ở đó, từng chi tiết như một nắp hầm chứa vũ khí, một gác bếp biến thành kho bom, một chuyến xe bán hàng rong… cũng có thể là nơi bắt đầu một trận đánh long trời lở đất.

Cuốn sách hội tụ ký ức và trách nhiệm của những cựu chiến binh vẫn còn mang mảnh đạn trong người, là những nhân chứng giờ đã tóc bạc da mồi nhưng vẫn nhớ từng con đường, từng trận đánh.

Bài, ảnh: THANH THANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.