“Người trên đường đời” là viết, là nói về con người cụ thể, những con người anh đã sống cùng, đã gặp và số phận của họ hẳn là tác động sâu sắc đến cuộc đời, phần đời của anh. Tài hoa của Hồ Quang Lợi trong nghề báo thì ai cũng biết nhưng với cuốn sách này khiến tôi háo hức đọc mong biết thêm về tài văn của anh, câu chữ của anh, một góc nhìn khác của anh với cuộc sống muôn màu để thấm thêm một tấm lòng mà anh trải trên từng trang viết.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách. 

Hồ Quang Lợi thật may mắn lẫn thử thách lớn khi được sống, được gặp để viết như thế nào với các nhân vật gọi là yếu nhân của thế giới một thời. Ở Việt Nam thân thương thì anh tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước và các lãnh đạo quốc tế. Đi với yếu nhân thường viết những chuyện “cao lớn” nhưng không, Hồ Quang Lợi lại quan tâm đến từng chi tiết nhỏ. Đó mới là tác phong của người làm báo giỏi. Ví như trong bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tự nhiên anh “lia bút” sang để phản ánh chi tiết căn phòng làm việc của Đại tướng.

Còn đối với những nhà báo, nhà nghiên cứu, hoạt động văn hóa Việt Nam, tập sách cho chúng ta gặp lại GS Vũ Khiêu, nhà báo Hữu Thọ, Thiếu tướng-nhà báo Trần Công Mân, nhà sử học Phan Huy Lê, nhạc sĩ Hồng Đăng... Ở đây phải cảm phục Hồ Quang Lợi với tài năng và phẩm cách cá nhân, anh được các bậc “tiên chỉ” tôn trọng như bạn, để anh được gần gũi mà viết nên những câu văn đầy ánh sáng.

Đọc hết cả cuốn sách “Người trên đường đời”, trong tôi vẫn chưa hết cảm xúc thích thú muốn đọc lại, đọc tiếp. Qua từng trang sách, ta bỗng thấy mình được hấp thụ tấm lòng của nhà văn Hồ Quang Lợi, đó là tình cảm chân thành, là tấm lòng thuần khiết thấm trải trên từng trang giấy, trong từng con chữ. Bạn đọc hãy đọc và hãy cùng tác giả suy ngẫm, cùng cảm thông trào nước mắt, cùng đau đớn cho tiếng khóc chìm vào trong, cùng nổi giận trước điều bất công vô lý, cùng niềm tự hào, hãnh diện về đất nước và con người Việt Nam trong lịch sử và hiện tại, sẽ thấy trào dâng một cảm xúc thánh thiện và trong trẻo.

Tôi rất ấn tượng những câu văn Hồ Quang Lợi viết về mẹ mình ẩn trong bài “Mây trắng đồi 82” của anh viết về người em liệt sĩ Hồ Quang Lộc. Mẹ Hồ Thị Niềm của anh suốt cuộc đời sống ở thôn quê Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, chồng mất sớm, một mình bà bươn chải, làm việc cật lực nuôi 6 người con lớn khôn. Ngày Lộc hy sinh, bà giấu anh đang học ở nước ngoài; về nước, đứng trước bàn thờ, anh mới biết. Bà chỉ xuất hiện trong một đoạn văn sau đây mà thôi: “Lộc hy sinh, mẹ tôi như tàu lá héo, người gầy rộc, chỉ còn da bọc xương. Mấy hôm đầu tôi mới về, đêm nào mẹ cũng mê sảng: “Lộc ơi, con đâu rồi?”. Những câu văn của anh viết về em trai, về mẹ mình như cố giấu đi dòng nước mắt. Đó là những câu văn ám thị người đọc bởi sự chân thực đến từng chi tiết.

Tôi nghĩ Hồ Quang Lợi không viết văn trong trường hợp này, anh muốn kể lại chân xác nhất về mẹ mình, bởi anh hiểu không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết được sự hy sinh vô bờ bến của người mẹ.

Thiếu tướng, nhà văn NGUYỄN HỒNG THÁI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.