“Lũ mường” đa nghĩa, nổi lên là lớp nghĩa đen. Tác phẩm có những trang tả hấp dẫn những cơn lũ ầm ào, mạnh mẽ, giận dữ từ thượng nguồn đổ về. Mưa càng lớn, lũ càng to, càng nguy hiểm. Hai mạch chìm là hai con lũ giao nhau, xuyên suốt, tạo nên nét riêng mời gọi của tiểu thuyết là con lũ lịch sử và con lũ tình yêu.

 Bìa cuốn sách.

Bố cục tiểu thuyết gồm 21 chương đi theo kết cấu của dòng chảy từ thời thực dân Pháp xâm lược và những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh của nhân dân các dân tộc Tây Bắc yêu tự do, không chịu làm nô lệ, ngược về trước là những cuộc đấu tranh đòi tự do có trong những truyền thuyết dã sử. Nhân vật chính là Bạc Cầm Hoàng Vân dòng dõi Phìa mường sống trong giàu có, no đủ. Gốc gác của dòng họ này từ miền xuôi theo chúa Hoàng Công Chất lên chống giặc xâm lăng. Danh dự và lòng tự trọng về dòng tộc cao quý truyền lại cho thế hệ sau: Dù có làm quan nhưng tự làm tự ăn, không tham ô, hối lộ; không ức hiếp, bắt nạt dân nghèo, thậm chí còn giúp đỡ. Thế nên khi Đảng đến tuyên truyền chống thực dân Pháp, Hoàng Vân bán đi đàn trâu 19 con lấy bạc ủng hộ kháng chiến mua sắm vũ khí; chia ruộng cho dân nghèo... Hoàng Vân tự nguyện đứng vào đội quân cách mạng. Cách chọn nhân vật chính khéo léo tạo điều kiện để người kể miêu tả rất nhiều nhân vật, sự kiện, chi tiết ở nhiều đối tượng: Nhân dân bản mường tốt-xấu đan xen, nhiều hồn nhiên, thật thà nhưng cũng có cả tinh quái; bọn phìa tạo phản động; kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp; những cán bộ Việt Minh. Có cả một thế giới nhân vật thật sự phức tạp quanh nhân vật chính.

Tiểu thuyết có nhiều trang miêu tả mối tình thi vị, đậm chất thơ của Bạc Cầm Hoàng Vang (con trai Phìa mường Hoàng Vân) với người con gái múa xòe Lường Thị Chiêng. “Con lũ” tình yêu thơ mộng ấy chảy giữa đôi bờ hiện thực là những nghi kỵ, thù hận, ghét ghen... và lãng mạn với thiên nhiên đẹp như cổ tích, với những truyền thuyết ngàn đời về tình yêu cay đắng và ngọt bùi của tập quán, những mỹ tục cùng bao hủ tục, nhiều khi tăm tối... Âm thanh của lời ca trong trường ca trữ tình dân gian là hùng ca, bi ca, hoan ca, cũng là tụng ca về cuộc sống và tình yêu, vọng vào âm thanh của “con lũ” này tạo nên khúc đồng vọng đặc sắc, réo rắt với nhiều cung bậc, khi hân hoan, lúc bi thương...

Các dòng chảy đều cập bến: Mùa hè năm 1950, nghe theo cách mạng, dân chúng mường Nậm Ty đồng loạt nổi dậy phá tan đồn Tây, cũng là phá tan chế độ phìa tạo tay sai phản động. Mặt trời độc lập, tự do rực rỡ, chói chang trên đất mường bản. Tình yêu nở hoa kết trái... Tiểu thuyết có nhiều điểm nhìn, khi của người kể “biết hết” mang chức năng tổ chức, hệ thống sự kiện. Khi trao cho nhân vật để tự giãi bày, mang quan điểm, tâm trạng cùng ngôn ngữ và tư duy của người trong cuộc. Quan trọng hơn là kể về những tập quán, phong tục lạ lẫm, chỉ có ở vùng cao Tây Bắc xưa. Nhìn từ góc độ hình thức, tiểu thuyết đa thể loại, là lịch sử, phong tục, lại là đời tư, có cả dã sử... Điều này lại quy định ngôn ngữ nghệ thuật phong phú về loại hình, đa dạng tính chất. Có tả thực, có cách điệu, có nghiêm túc, có giễu nhại...

Cây xanh nhà văn phải cắm sâu gốc rễ vào cuộc đời, cần cù hút dinh dưỡng văn hóa để kết trái cây tác phẩm có hương vị khác lạ. Điều ấy có thể để nói về nhà văn Trần Nguyên Mỹ. Là người Nghệ An nhưng sống sâu, giàu trải nghiệm (làm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, văn hóa, tuyên huấn...), nhiều tâm huyết với mảnh đất Tây Bắc nên tác phẩm của anh viết đúng với giọng vùng cao, gọi ra được nét bản sắc của con người, cuộc sống nơi đây.

NGUYÊN THANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.