Hiện ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật thị xã Phú Thọ, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Sau tập thơ "Hoa phượng" (1976) và "Một thời hoa lửa" (2014) khắc ghi dấu ấn sâu đậm quãng thời gian ông từng là Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ gây ấn tượng với người đọc, tập thơ "Nguồn sáng diệu kỳ" (xuất bản tháng 8-2023) tiếp tục mang đến cho đến độc giả những cảm nhận sâu sắc.

leftcenterrightdel
Bìa Tập thơ "Nguồn sáng diệu kỳ".  

Tập thơ "Nguồn sáng diệu kỳ" bao gồm 68 bài thơ, chia hai phần, phần thứ nhất có tên “Đẹp nhất tên Người” gồm 16 bài và phần thứ 2 “Những tấm gương bình dị mà cao quý” gồm 52 bài. Tập thơ hấp dẫn người đọc ngay từ nhan đề và cách chia bố cục.

Nhan đề "Nguồn sáng diệu kỳ" vừa thực, vừa ảo, thực khi ta liên tưởng “nguồn sáng” là ánh sáng có nơi phát khởi và có sức sống lâu bền; diệu kỳ là sự đánh giá, tôn vinh ở tầm vĩ mô. Điều đó hoàn toàn tương xứng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vĩ nhân mà cuộc đời đã đi vào huyền thoại. 

Đề tài về Bác là đề tài khó, cho dù sự kính trọng, tin yêu, niềm tự hào chính đáng về Người thì không ai phủ nhận. Tác giả Đoàn Hải Hưng đi vào đề tài khó, 16 bài thơ là tâm huyết, là tình cảm sâu sắc ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viết về Người thực sự không dễ bởi phải làm sao để không “nương theo cái bóng của người khác”, không dẫm lên bước chân người khác và lại phải thể hiện được nét riêng của mình. Và, tác giả Đoàn Hải Hưng đã làm được điều đó qua 16 bài thơ.

Mở đầu tập thơ là bài thơ “Đẹp nhất tên Người”. Vâng, nhan đề không mới lạ bởi “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” là một chân lý; bởi thơ và nhạc đã chuyển tải nội dung này khá phong phú. Âm hưởng lời thơ qua nhạc phẩm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Trần Kiết Tường có sức sống lâu bền, có sự ám ảnh và dư vị ngọt ngào, đằm sâu trong tâm trí công chúng yêu nhạc, yêu thơ. Từ ca khúc hấp dẫn đó, Đoàn Hải Hưng đã viết thành bài thơ “Đẹp nhất tên Người”. Tiếp đó là 15 bài thơ viết về Bác, luôn thấy Bác là nguồn sáng:

Nguồn sáng diệu kỳ - Nguồn sáng yêu thương

Được lan tỏa từ cuộc đời của Bác

Tiếp sức chúng con vượt qua ghềnh thác

Tự soi mình, luôn sống đẹp - nghĩa tình…

Bác chính là nguồn sáng soi đường cho lớp lớp cháu con vượt qua ghềnh thác, qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc sống bộn bề gian khó. Tác giả ca ngợi Bác kính yêu, đồng thời biết ơn Bác kính yêu bởi Bác đã dành trọn cả cuộc đời cho dân, cho nước.

“Tháng năm nhớ Bác” là bài thơ khá xúc động, tái hiện những hình ảnh đẹp làm nên phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, “áo ka ki sờn tay”, “dấu chân dép lốp” cùng nỗi niềm canh cánh về miền Nam thương yêu trong trái tim Người. Đồng thời, tác giả nhớ:

“Bác về Đất Tổ-Đền Hùng

Dặn dò con cháu: Non sông giữ gìn…

Bao nhiêu mảnh đất còn in

Dấu chân dép lốp đi trên đất này.

Và cũng như hàng triệu người con Đất Việt, tác giả thấy Bác luôn hiện diện, chứng kiến đất nước ngày càng đổi thay, phát triển, giàu mạnh lên theo nguyện ước Bác Hồ:

Vẫn nghe tiếng Bác đâu đây

Vẫn như có Bác hằng ngày bên con

Qua trang viết của tác giả Đoàn Hải Hưng, người đọc thấy rõ hơn sự tôn kính dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phần thứ hai “Những tấm gương bình dị và cao quý” gồm 52 bài thơ, mở đầu là bài “Đại tướng của nhân dân” ca ngợi công đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếp đó là 51 bài thơ viết về những tấm gương giản dị, đời thường, đủ các ngành nghề công an, quân đội, giáo viên, thầy thuốc, văn nghệ sĩ, nhà báo… đủ các lứa tuổi già có, trẻ có…

Phần thứ hai được viết với cả tấm lòng chân thành, tôn trọng, tin yêu. Có người được gọi tên (anh Cường, anh Đỗ Kim Thành….), có người chỉ gọi chức danh (Đại tướng, Thầy thuốc châm cứu có bàn tay vàng, Nhà giáo nhân dân với quê hương Đất Tổ…); có những bài ca ngợi cá nhân, lại có bài ca ngợi tập thể (Thị xã Phú Thọ, Quân khu 2, Công an Phú Thọ, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ, Trường THPT Chuyên Hùng Vương…), ca ngợi “Người lính biển Trường Sa” và tặng thơ cho cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, cựu chiến binh.

Luôn gắn bó với thời cuộc, tác giả “Thương lắm miền Trung” khi vào mùa mưa lũ, “Thương lắm Sài Thành ơi” khi “Hàng trăm ngày Sài Thành trong tâm dịch”, thương người bệnh, thương các “chiến sĩ áo trắng” ngày đêm gồng mình chống dịch và thương hàng nghìn trẻ nhỏ mồ côi và nhớ vô cùng những kỷ niệm yêu thương bên đồng đội năm nào...

68 bài thơ trong tập thơ "Nguồn sáng diệu kỳ" có những bài thực sự xúc động, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, có bài gần với ký sự bằng thơ, có lúc vì trích dẫn gần như trọn vẹn câu nói giản dị của Bác trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau mà khó ghép thành vần thơ trau chuốt (Bài "Bác Hồ gặp gỡ nông dân" hoặc "Một lần hành quân với Bác"). Tuy nhiên, tổng thể, đây là một tập thơ ghi dấu sự nỗ lực bền bỉ, việc lao động nghệ thuật không mệt mỏi để ra đời tập thơ thứ 3 ở tuổi 76 của thầy giáo-tác giả Đoàn Hải Hưng. Tập thơ có giá trị nhân văn, giá trị giáo dục rất lớn, hướng công chúng đến chân-thiện-mỹ. 

Phú Thọ, ngày 15-8-2023

Thạc sĩ ĐỖ NGUYÊN THƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.