PV: Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10-10) đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách, nhất là giới trẻ. Đồng chí có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của những hoạt động này?
Đồng chí Lâm Đình Thắng: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của đất nước. Với đô thị năng động như TP Hồ Chí Minh, lĩnh vực này thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, chủ trương của UBND thành phố là các hoạt động hưởng ứng không tổ chức riêng lẻ mà phải là chuỗi hoạt động, có điểm nhấn, có sức lan tỏa sâu rộng.
Các hoạt động thu hút sự quan tâm của người dân đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, là động lực phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có văn hóa đọc và hoạt động xuất bản, công tác truyền thông... Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc trên môi trường số, hoạt động của thư viện số, doanh nhân và sách, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành xuất bản phẩm, công tác truyền thông chính sách...
 |
Đồng chí Lâm Đình Thắng. |
PV: Là đầu tàu kinh tế của cả nước, chuyển đổi số ở TP Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lâm Đình Thắng: Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, TP Hồ Chí Minh hiện đứng thứ hai cả nước về chỉ số chuyển đổi số trong năm 2022. Đây là năm thứ ba, thành phố liên tục tăng thứ hạng chuyển đổi số (năm 2020 hạng 5, năm 2021 hạng 3). Cổng dịch vụ công TP Hồ Chí Minh được xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố, mức A. Tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GRDP của thành phố ước đạt 18,66% GRDP của TP Hồ Chí Minh trong năm 2022 (đứng thứ bảy cả nước, chỉ tiêu của năm 2023 là 19%).
Gần đây nhất, UBND TP Hồ Chí Minh vừa được Hội đồng giải thưởng ASOCIO lựa chọn trao giải thưởng cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023. Thành phố vừa ra mắt “Hệ thống quản trị thực thi TP Hồ Chí Minh trên nền tảng số”. Đây là sự sáng tạo và bước tiến mới trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt trong chính quyền số của TP Hồ Chí Minh...
PV: Trong môi trường chuyển đổi số, công tác thông tin, truyền thông ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã có nhiều dấu ấn quan trọng, được báo giới và công chúng ghi nhận. Đồng chí có thể nói rõ hơn vấn đề này?
Đồng chí Lâm Đình Thắng: 9 tháng năm 2023, công tác truyền thông do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tham mưu tổ chức thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, như: Chủ trì tham mưu tổ chức sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, quản lý và phát triển báo chí TP Hồ Chí Minh; hoàn chỉnh đề xuất phương hướng triển khai giai đoạn 2 của đề án. Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo thành phố tham mưu cho Thường trực Thành ủy, UBND thành phố về đổi mới và nâng cao chất lượng Giải Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, khen thưởng đối với các tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia và khen thưởng định kỳ đối với các tác phẩm báo chí hay viết về TP Hồ Chí Minh...
 |
Các đại biểu tham quan triển lãm về chuyển đổi số nhân Ngày chuyển đổi số quốc gia 2023 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VŨ THANH
|
Đây là những hình thức rất thiết thực, có ý nghĩa động viên, khích lệ, kích thích năng lượng tích cực trong hoạt động nghề báo và môi trường báo chí trên địa bàn thành phố. Chủ trì tổ chức truyền thông chính sách về Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, được đánh giá cao về hiệu quả thông tin. Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất và phối hợp với Báo Sài Gòn giải phóng, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi thiết kế sản phẩm đồ họa thông tin tuyên truyền Nghị quyết số 98, thu hút gần 44.600 lượt người quan tâm theo dõi, 238 cá nhân, tập thể đăng ký tham gia...
PV: Hoạt động xuất bản và các dịch vụ liên quan đến sách, văn hóa đọc... ở TP Hồ Chí Minh được đánh giá là phát triển sôi động, hiệu quả nhất cả nước. Bên cạnh thúc đẩy chuyển đổi số, đó còn là kết quả của những mô hình sáng tạo, thưa đồng chí?
Đồng chí Lâm Đình Thắng: Đúng vậy! Ngành xuất bản và phát triển văn hóa đọc đã tạo những dấu ấn rõ nét, đạt kết quả rất đáng khích lệ. Một trong những bài học thành công là việc sáng tạo, tổ chức những mô hình hấp dẫn, thu hút công chúng. Chẳng hạn, mô hình Đường sách Tết Quý Mão 2023 được tổ chức tại trục đường Lê Lợi với kết quả vượt trội so với các năm trước về quy mô, doanh thu, số lượng hoạt động.
TP Hồ Chí Minh được Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam chọn làm nơi đăng cai tổ chức nhiều sự kiện tiêu biểu của ngành như: Triển lãm ngành in quốc tế năm 2023, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Xuất bản các nước Đông Nam Á; lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh tổ chức và công bố Giải thưởng sách dành cho thiếu nhi.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố tổ chức liên tục nhiều hoạt động lớn thúc đẩy văn hóa đọc như: Tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần II năm 2023 tại khu vực Công trường Công xã Paris và Đường sách thành phố; Tổ chức Hội sách Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh lần V - năm 2023...
Chuyển đổi số gắn với nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, sẽ tạo động lực thúc đẩy nhu cầu và năng lực sáng tạo cho mọi tổ chức, cá nhân vì lợi ích chung...
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THANH GIANG (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.