Y Thim thổi sáo Đinh Buốt tự làm

Y Thim Byă ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbuar, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đam mê công việc sưu tầm các loại nhạc cụ và những vật dụng sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên từ khi anh còn là thanh niên 30 tuổi. Đến nay, sau 10 năm miệt mài tìm kiếm, Y Thim đã là người giàu chiêng, ché nhất ở Buôn Ma Thuột. Với lối nghĩ và cách ứng xử của Y Thim đối với văn hóa truyền thống thì quả thực anh già dặn hơn tuổi 40 rất nhiều.

Y Thim kể, 10 năm trước, khi còn làm cán bộ đoàn của xã Cư Êbuar, anh đã nhận ra một thực trạng đáng lo ngại, đó là. "Ở một số buôn làng, do bà con bị bọn xấu lừa phỉnh mà vứt bỏ chiêng, ché; ruồng rẫy ghế Kpan, Jhơng. Những đồ vật cổ bị bán cho đồng nát. Đám thanh niên không còn mê lời chiêng, tiếng sáo của ông bà để lại". Do có lòng đam mê nhạc cụ dân tộc từ nhỏ, kết hợp với những kiến thức anh học được trong sách vở và tích lũy trong quá trình công tác, Y Thim hiểu ra những giá trị vô cùng quý báu của văn hóa truyền thống. Y Thim nhận thức: "Bỏ rơi văn hóa truyền thống là tự đánh mất cội nguồn của mình. Mất văn hóa là mất tất cả". Từ suy nghĩ ấy, Y Thim bắt tay vào công việc sưu tầm các loại nhạc cụ và tất cả những đồ vật liên quan đến đời sống văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê, M'Nông, Gia Rai. Năm 1997, Y Thim theo học lớp Văn hóa quần chúng của trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đắc Lắc với mong muốn tìm hiểu một phần cái hay, cái đẹp của văn hóa Tây Nguyên. Những kiến thức học được trong nhà trường càng thôi thúc niềm đam mê sưu tầm sẵn có trong anh.

Công việc sưu tầm của Y Thim khá vất vả, nhưng với anh nó có sức cuốn hút lạ kỳ. Nhiều người thấy Y Thim mải mê sưu tầm thì bảo: "Thằng Thim nó bị hồn chiêng, hồn ché mê hoặc rồi!". Cứ nghe ở buôn làng nào đó có cái ché Túk, ché Tang, cái trống Hgơr bị người ta vứt bỏ, hoặc có cái ghế Kpan không còn dùng đến là Y Thim tìm đến tận nơi, và mang những đồ vật ấy về nhà mình bằng mọi giá. Một vài người hiểu được cái bụng Y Thim sưu tầm chiêng, ché là để gìn giữ văn hóa của cha ông thì sẵn lòng cho ngay, mà không đòi hỏi gì. Có cái ché Túk, cái ghế Kpan, ghế Jhơng người ta vứt bỏ ngoài rẫy cà phê, ngoài bờ rào Y Thim chỉ phải bỏ công đi nhặt về. Nhưng có vật dụng, có loại nhạc cụ Y Thim phải đổi bằng mấy tạ cà phê nhân; hoặc phải mua bằng bạc triệu. Nhiều đồ vật cổ như vòng tay, chén, bát, lư hương, hộp đựng đồ trang sức… Y Thim sưu tầm được là nhờ mua lại của những người chuyên mua đồng nát. Nhiều đợt, Y Thim tự lái chiếc xe cày đi cả trăm cây số, tới tận các buôn xa của huyện Cư Mgar, Krông Ana để tìm mua về những ghế Kpan, ghế Jhơng làm bằng cây gỗ quý dài gần chục mét.

Mới đầu thấy chồng mình đam mê sưu tầm đến quên ăn quên ngủ, trong nhà có bao nhiêu vốn liếng cũng dốc hết vào việc mua những đồ cũ rích chẳng "ăn uống" gì được, chị H'Điu Êban (vợ Y Thim) thấy không ưng cái bụng, nhiều lúc bực bội ra mặt! Nhưng đến khi những vật dụng Y Thim sưu tầm mang về để chật hết buồng trong, treo kín tường nhà ngoài, và có nhiều người tìm đến hỏi chuyện sưu tầm của Y Thim thì H’Điu mới vỡ lẽ ra việc Y Thim đang làm là có lý. Có những vật dụng cổ xưa người ta vứt bỏ ngoài rẫy cà phê cho đất phủ, rêu mọc, khi Y Thim nhặt về lau chùi sạch sẽ, cất vào tủ đã có người gạ mua cả chục triệu đồng nhưng anh quyết không bán. Nghệ nhân Ma Điu, người giỏi đánh chiêng nhất buôn Ea Bông khen Y Thim là người biết yêu quý gốc rễ tổ tiên: “Thằng Thim nó làm cái việc tốt cho buôn làng Tây Nguyên đấy. Nhìn nó làm, già thấy vui. Cái bụng già cũng muốn làm như nó, nhưng cái chân yếu rồi không đi xa được nữa!”.

Bây giờ, trong ngôi nhà 4 gian của Y Thim đã chất đầy những chiêng, trống, ché, ghế, bát, chén… cái nào cũng “cũ rích”. Nếu cứ nhẩm tính: Trước đây để có một ché cổ người ta phải đổi bằng một con voi, một bộ chiêng quý đổi bằng đàn trâu 10 con, thì Y Thim đang là người có nhiều voi và nhiều trâu nhất Đắc Lắc rồi đấy! Nhà không còn đủ chỗ để chứa báu vật đã sưu tầm được, Y Thim phải mang gửi nhờ Nhà văn hóa cộng đồng buôn Ea Bông. Bây giờ trong “kho báu” của Y Thim có: 9 bộ chiêng cổ (hơn 100 chiếc); 40 cái ché Túk, ché Tang; 5 ghế Kpan; 6 trống H’gơr; 3 ghế Jhơng cùng hàng trăm chén, bát, lư hương, hộp đựng đồ trang sức, vòng đeo tay, gùi và các loại nhạc cụ dân tộc khác.

Ngoài công việc sưu tầm, Y Thim còn tích cực tham gia dạy đánh chiêng và sử dụng một số nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ ở tỉnh Đắc Lắc. Từ tháng 8 năm 2006 này, trên cương vị công tác mới tại phòng Nghiệp vụ văn hóa (Trung tâm Văn hóa-Thông tin Đắc Lắc), Y Thim xác định đây là môi trường thuận lợi để anh tiếp tục truyền thụ kiến thức về văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Được biết, Y Thim không chỉ biết sử dụng, mà còn biết chế tác một số nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên như Cing Kram (chiêng tre), Đing Buốt (sáo) và Đinh Năm.

Lòng đam mê văn hóa Tây Nguyên của Y Thim đã truyền cho các con. Hiện hai cậu con trai lớn của Y Thim là Y Nal Êban, 16 tuổi và Y Yana Êban, 14 tuổi đang theo học khoa Nhạc cụ dân tộc (Trường đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội). Ngay cả thằng con út là Y Thu Êban mới học lớp 1 thôi cũng đã đòi cha Y Thim dạy đánh chiêng, thổi sáo. Tâm sự với chúng tôi, Y Thim thổ lộ: “Mong muốn của Y Thim bây giờ là dựng ngôi nhà sàn truyền thống thật rộng, để có chỗ trưng bày những vật dụng mà mình sưu tầm về. Từ ngôi nhà sàn này, mình sẽ tái hiện một phần nào đó trong kho tàng văn hóa truyền thống vô cùng phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”. Những việc làm của Y Thim đã góp phần cho văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên hồi sinh, tỏa sáng và trường tồn.

Bài và ảnh: Kiều Bình Định