Các hoạt động này nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, Ban tổ chức mong muốn góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục di sản của Thủ đô, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành thế hệ công dân hiểu biết về văn hóa di sản và có sức sáng tạo trên nền tảng đó.

Trưng bày mâm cỗ Tết Trung thu truyền thống. 

Nội dung chuỗi hoạt động gồm: Giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống tại các điểm di sản trong khu phố cổ Hà Nội; trang trí, sắp đặt không gian trải nghiệm làm đồ chơi trung thu truyền thống tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội; tại Ngôi nhà Di sản - số 87 phố Mã Mây trưng bày không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu, giới thiệu bộ ảnh chủ đề “Trở về Trung thu xưa” và giới thiệu đèn trung thu cua, cá cổ truyền - sản phẩm do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình khôi phục. Ở đình Đồng Lạc - 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào sẽ trưng bày sản phẩm, trải nghiệm tương tác với chủ đề “Ngắm trăng vàng".

Các em thiếu nhi vui Tết Trung thu tại Ngôi nhà Di sản - số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm. Ảnh: BTC

Tại không gian bích họa phố Phùng Hưng sẽ đem đến cho các em thiếu nhi một địa điểm vui chơi bổ ích và cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống. Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tổ chức không gian tương tác với đa dạng nhiều hoạt động.

Ngoài ra, các nghệ nhân, thợ thủ công đến từ các làng nghề lân cận Hà Nội giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống tại khu phố cổ nhân dịp Tết Trung thu.

GIA KHÁNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.