Năm nay, khi xem lịch dương, lịch âm cháu dự định sẽ về quê vào dịp nghỉ Quốc khánh 2-9, cũng gần ngày rằm tháng 7 - Vu Lan, để báo hiếu ông nội, tổ tiên. Nhưng dự định tri ân của cháu không thực hiện được, vì dịch bệnh Covid-19 hiểm nguy đang hoành hành ở nhiều vùng đất nước.

Điện thoại cho tôi, cháu giãi bày tâm trạng, khiến tôi cũng buồn theo. Ấy vậy mà “Chú ạ, không về quê được để thắp hương báo hiếu ông và tổ tiên, nhưng nhớ lời ông dạy bảo, cháu báo hiếu ở ngay vùng dịch này, đó là tham gia vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ giúp người bệnh, người nghèo. Từ Thành phố Hồ Chí Minh cháu sẽ vái vọng về quê. Biết được việc cháu làm chắc ông chẳng giận, mà còn yêu quý hơn chú nhỉ…”. Đang buồn mà nghe cháu nói điều ấy, niềm vui lại đến thật nhanh trong tôi, cứ rưng rưng, nghẹn ngào.

 Ảnh minh họa. Nguồn: thethaovanhoa.vn.

Tôi hiểu tâm tính cháu từ khi nó còn bé, kính trọng, yêu quý và tự hào về ông lắm. Ông cháu từng là bộ đội, tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi mẹ cháu mang thai phải làm lụng vất vả, ăn uống lại kham khổ, nên cháu sinh ra thiếu ngày, thiếu tháng, sắp đi học rồi mà vẫn bé cỏn con. Vì vậy cháu được ông thương yêu, chăm sóc, dạy bảo ân cần lắm. Nhớ lần tôi về quê, lúc cháu đang học lớp 3, khi tôi sang thăm ông, cháu kín đáo kể: “Hôm nay mất điện cả làng, không chạy được quạt máy, nên lúc cháu làm bài tập, ông nội ngồi bên lấy mo cau quạt cho cháu. Khi làm xong 3 bài toán, cháu muốn khoe ông, nhưng vừa nhìn, thấy mặt ông ướt mồ hôi cháu thương quá, vì vậy cháu phải nói dối là học bài đã xong, để ông không quạt nữa”. Chao ôi, sao mà yêu thế - tôi như thốt lên trong lòng, con bé mới học lớp 3 mà sao tinh tế vậy!

Học hết Phổ thông trung học, cháu thi và đỗ đại học với số điểm rất cao. Thời sinh viên cháu cũng thường xuyên đến nhà tôi chơi. Chuyện của cháu nhiều lắm, nhưng hơn cả vẫn là những hồi tưởng về ông nội kính yêu; vẫn là những hoạt động tình nguyện, giúp đỡ nhau trong học hành, cả của cháu và của bạn bè. Ông mất đã hơn 10 năm, mà có lần cháu nhớ, cháu kể, cháu nức nở như ông vừa nằm xuống. Có lần tôi đang định hỏi cháu về sự liên quan giữa chuyện về ông nội và về tình nguyện, thì cháu nói, như chính trả lời câu hỏi của tôi:

- Cả khi còn bé và lúc đã lớn, ông dạy bảo cháu nhiều điều lắm, bây giờ cháu vẫn nhớ hết, có việc cháu chưa làm được, nhưng có việc cháu đã làm, như tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của sinh viên, cũng có đôi việc, đôi chút giúp đỡ được bạn bè. Làm những việc ấy, cháu rất vui, người được giúp đỡ cũng thật vui. Niềm vui của cháu còn ở chỗ đã làm được theo điều ông chỉ bảo mà cháu luôn khắc ghi “Con người với con người phải là lòng yêu thương; con người giúp con người phải là sự chân thành, như vậy sự giúp đỡ dù nhỏ nhưng lại có giá trị lớn…”.

Nghe cháu nói, cháu kể, tôi thật đồng cảm, cháu đã trưởng thành, tinh tế và nhạy cảm càng làm tôi ngỡ ngàng.

Hôm nay ngày chính Vu Lan, khác nhiều các mùa Vu Lan trước. Trước đây vào những ngày này trong mỗi gia đình đông vui đoàn tụ, để cùng dâng tổ tiên, những đấng sinh thành, bề trên đã khuất những nén nhang thơm, hoa tươi, quả ngọt, những mâm cỗ lòng thành, còn nay thì đơn giản hơn, nhiều nhà không đủ đầy sum họp.

Trước đây các hàng hoa, hiệu bán đồ mặn, đồ chay cứ tấp nập người bán, người mua, còn nay thì vắng hoe người, khách; ở những nơi thực hiện giãn cách xã hội thì chẳng có ai bán mà mua.

Trước đây, trong mỗi ngôi chùa, ngày này hoan hỉ người vào ra, bông hoa cài ngực toàn màu hồng tươi thắm, còn nay cảnh chùa thêm trầm mặc, cô tịch hơn; tiếng chuông, tiếng mõ thêm âm trầm cầu siêu cho người xấu số vì đại dịch Covid-19, cầu mong cho những người trên tuyến đầu chống dịch bình an, cầu cho đại dịch ở Việt Nam và toàn thế giới mau qua, để năm sau ngày này không còn ai trên ngực cài hoa trắng.

Thật cảm kích, mùa Vu Lan năm nay nhiều ngôi chùa ở cả vùng xanh, vùng đỏ trên toàn quốc đã xin nguyện chia đôi: Phần đạo, phần đời. Phần đạo vẫn tôn nghiêm hành lễ. Phần đời là nơi nấu những suất ăn trưa, tối hỗ trợ các lực lượng chống dịch, người nghèo khó, cơ nhỡ. Nhiều nhà chùa cũng là nơi phật tử phát tâm đem đến tặng rau, củ, quả, trái cây… để chi viện cho lực lượng chống dịch và người dân ở khu cách ly, phong tỏa. Nhiều nhà sư, tăng ni cũng tham gia lực lượng phòng, chống dịch cứu người.

Đức Phật đã dạy “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”, ngẫm ra, việc phát tâm của nhà chùa và từ nhà chùa với nhiều việc làm thiết thực tham gia chống dịch, cứu người trong mùa Vu Lan biết bao ý nghĩa, việc đạo, việc đời linh thiêng, đẹp đẽ.

Trong số hàng chục triệu người không được đoàn viên với gia đình mùa Vu Lan, có hàng trăm nghìn người tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch, họ là những y, bác sĩ, bộ đội, công an, thanh niên, sinh viên tình nguyện, dân quân tự vệ, nhà sư, tăng ni, phật tử, dân phòng, lái xe tình nguyện… Ngày đêm họ phải vượt qua bao khó khăn, hiểm nguy để cứu người. Họ không quản ngại vất vả, làm việc căng thẳng ở những khu phong toả, cách ly, các chốt phòng dịch, các cửa khẩu đường bộ, đường không, các chốt biên phòng; tham gia vận chuyển, tiếp tế thuốc men, lương thực, thực phẩm… cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân vùng dịch. Nhiều người phải nói dối người thân, giấu đi những âu lo, mệt nhọc để đối mặt với dịch bệnh, tuyên chiến với Covid-19. Cô cháu tôi cũng đang trong đội hình đó, với tâm nguyện và cách báo hiếu rất phù hợp thời dịch bệnh.

Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, sinh thời ai ai cũng răn dạy, chỉ bảo, cũng mong chờ cho con cháu làm được nhiều việc thiện, việc tốt; lúc lâm chung về cõi vĩnh hằng, lời khuyên, lời nhắn nhủ cuối cùng nơi trần thế cũng vậy; sự thanh thản nơi suối vàng cũng là những điều mong muốn hướng thiện, hướng tâm.

Vu Lan - báo hiếu là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người dân Việt Nam. Vu Lan năm nay có nhiều khác xưa cũng chính nhằm vào phòng, chống dịch, đưa đất nước trở lại bình an.

Các chiến sĩ đang ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch là những người đang làm những việc đẹp nhất trong mùa Vu Lan, điều mà tổ tiên, ông bà, bố mẹ - những người đã khuất hằng khuyên dạy, mong muốn lúc sinh thời. Họ là những người báo hiếu, vái vọng từ xa, báo hiếu bằng nguyện ước thực hiện lời khuyên, báo hiếu nơi vùng dịch. Đó chính là tâm nguyện báo hiếu sắc son, linh nghiệm.

TÔ THÀNH TUYÊN