Cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 28km về phía Tây Bắc và cách đường biên giới Việt - Trung chừng 300 mét, chùa Tân Thanh nằm ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ngôi chùa được khởi công năm 2015 với diện tích 21ha, tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng từ nguồn phát tâm công đức của phật tử gần xa.

leftcenterrightdel
Cổng chùa gồm 3 gian chồng diêm lợp ngói mũi hài, gỗ lim, nền đá, mái đao đầu rồng cong vút.

Chính giữa cửa chùa là bảng tên được viết theo lối thư pháp tiếng Việt đơn giản nhưng không kém phần trang nhã và uy nghiêm. Phía dưới 3 lối cổng vào có 4 câu đối: "Tới cửa chùa lòng sạch trần duyên tiêu tục lụy/ Lui tới trang nghiêm thế sự lợi danh ngoài cảnh Phật/ Ra vào tự tại pháp môn giải thoát tại lòng ta/ Vào cửa Phật miệng câu Tam Bảo niệm tâm kinh”. 

leftcenterrightdel

 Viên đá đầu tiên xây dựng chùa Tân Thanh. 

Thượng tọa Thích Quảng Truyền - Trưởng ban Trị sự Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn, trụ trì chùa Tân Thanh cho biết: “Khi xây dựng chùa tôi là người thiết kế, và đưa ra ý tưởng tất cả viên gạch xây dựng chùa đều được đúc chữ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Phật Lịch 2559 khởi tạo chùa Tân Thanh”. Nhằm khẳng định đây là cột mốc văn hóa, cột mốc chủ quyền thể hiện nền văn hóa của người Việt, không gì có thể thay đổi được, thời gian có thể làm mục nát, làm hư hỏng nhiều thứ, nhưng cột mốc văn hóa tâm linh này muôn đời không bao giờ mất đi”.

leftcenterrightdel
 Mỗi viên gạch xây chùa đều có hàng chữ in hoa: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Phật lịch 2559 khởi tạo chùa Tân Thanh”.

Chùa Tân Thanh gồm 3 khu: Điện thờ chính (cung Tam Bảo), điện thờ Đức Thánh Trần, điện thờ Đức Thánh Mẫu và Tam Quan. Điện chính của chùa Tân Thanh được xây dựng tại vị trí đắc địa trên thế đất “long chầu hổ phục” với bên trái có núi hình rồng chầu, bên phải có núi hình voi phục, phía sau có thế núi như ngai rồng... Trung tâm sảnh của chùa được bài trí chiếu rồng bằng đá, chạm trổ hình rồng thời Lý trên phiến đá nặng trên 90 tấn. 

Đến với chùa, du khách đều dễ dàng nhận thấy nơi đây mang đậm màu sắc kiến trúc thuần Việt, hài hòa với cảnh quan tổng thể, cách bố trí các khu thờ tự, bài trí trong các điện thờ. Đặc biệt là tất cả câu đối, hoành phi trong chùa đều hoàn toàn là chữ thư pháp Việt. Trong chùa có bức hoành phi lớn chạm hai câu thơ “Trấn Ải Tân Thanh trung nghĩa lưu sử sách - Non sông Đại Việt trường tồn mãi nghìn thu” như lời nhắc nhở và khẳng định về chủ quyền bờ cõi nước Nam.

leftcenterrightdel

Hàng tượng Đại đệ tử của Đức phật Thích Ca bằng đá trắng Ngũ Hành Sơn, mỗi vị là hiện thân của các đức tính và đạo hạnh từ bi của Phật.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (du khách người Hà Nội) chia sẻ: “Đến với ngôi chùa tôi cảm nhận được không khí trong lành với không gian thanh tịnh. Bên cạnh đó, chùa nằm ngay gần chợ Tân Thanh và sát với biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi và bạn bè khi đến đây đã được tham quan, vãn cảnh chùa kết hợp mua sắm và được biết thêm rất nhiều điều thú vị”.

leftcenterrightdel
Tượng phật nổi bật trong không gian xanh mát của chùa.

Được xây dựng và khánh thành khoảng 8 năm nay, chùa Tân Thanh đã thu hút đông đảo nhiều lượt du khách thập phương đến chiêm bái, vãn cảnh. Với vẻ tráng lệ cùng kiến trúc thuần Việt và khuôn viên chùa có trên 100 pho tượng cùng không gian xanh mát với khoảng 1.000 cây xanh các loại, chùa Tân Thanh khiến du khách luôn muốn được ghé thăm, dâng nén tâm nhang cầu nguyện cho quốc thái dân an và gửi gắm ước nguyện biên cương bình yên, giàu mạnh...

leftcenterrightdel
Cảnh núi non hùng vĩ bao quanh chùa.

Anh Nguyễn Trọng Trung (du khách tại Bắc Ninh) chia sẻ: “Đến với chùa Tân Thanh tôi ấn tượng với khuôn viên chùa có rất nhiều loài cây, đặc biệt là cây đào bung nở rực rỡ mỗi mùa xuân về. Hàng năm tôi thường cùng gia đình đến đây để chiêm bái, phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống tôi cảm nhận khung cảnh chùa, đất trời, núi non như hòa vào làm một”.

leftcenterrightdel
 Tiếng chuông gió cũng là một điểm đặc biệt thu hút khách tham quan khi đến chùa Tân Thanh. 

So với các ngôi chùa ở Lạng Sơn, chùa Tân Thanh được xem là ngôi chùa lớn nhất về quy mô cũng như đặc biệt trong kiến trúc của chùa. Chùa Tân Thanh được biết đến với vẻ đẹp tựa như bức tranh phong cảnh hữu tình, lưng tựa vào núi. Đến nay, chùa Tân Thanh đã trở thành một điểm đến tâm linh của Lạng Sơn bên cạnh Đền Mẫu Đồng Đăng thu hút đông đảo du khách thập phương đến chiêm bái. Sự hiện diện của ngôi chùa nơi biên giới thực sự không chỉ là biểu tượng văn hóa, tâm linh của người Việt mà còn là thông điệp về sự chân thành, lòng từ bi theo tinh thần Phật giáo, tình hữu nghị, cam kết cùng phát triển của nhân dân Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Bài và ảnh: DIỆU HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.