Những năm gần đây, các tỉnh có đông đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long đã kết hợp du lịch văn hóa để khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phát huy bản sắc văn hóa, giá trị của chùa Khmer để thu hút du khách.

Như tại chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) thời gian qua đã thành lập đội văn nghệ nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vốn có của người Khmer, đồng thời phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa đến du ngoạn cảnh chùa. Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán cho biết: “Với đồng bào Khmer, ngôi chùa có ý nghĩa, vị trí rất quan trọng. Cả cuộc đời người Khmer từ lúc sinh ra đến lúc mất đi, mọi vui, buồn, sướng, khổ, thành, bại đều gắn chặt với ngôi chùa. Từ khi chùa Xiêm Cán thành lập đội văn nghệ, người dân địa phương và du khách đến chùa ngày càng nhiều hơn. Những sinh hoạt văn hóa của đồng bào được bảo tồn thể hiện sức sống mãnh liệt qua từng điệu múa, lời ca”.

leftcenterrightdel
Du khách thích thú với những điệu múa Apsara do đội văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán biểu diễn. 

Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ngôi chùa đẩy mạnh các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá, tận mắt nhìn và lắng nghe những âm thanh từ bộ nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer. Đây được xem là một nét mới, bước đầu tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thượng tọa Kim Mạnh, Trụ trì chùa Kompong Đung (xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Vừa qua, chùa Kompong Đung được ngành du lịch quan tâm, chọn làm điểm tham quan du lịch của tỉnh. Xác định điều đó, nhà chùa cũng đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào Khmer, từ đó thu hút du khách ở các nơi khác tìm đến tham quan chùa nhiều hơn. Đến đây, bà con có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó giúp bảo tồn và phát huy những nét văn hóa của đồng bào Khmer”.

Ngày nay, tốc độ phát triển của du lịch đã làm cho thị hiếu của du khách ngày càng đa dạng. Vì vậy, để giới thiệu những nét văn hóa của đồng bào Khmer đến đông đảo người dân, các cơ quan chức năng và các địa phương nên tính đến việc bồi dưỡng, phát triển lực lượng thuyết minh viên tại các điểm chùa Khmer. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đào tạo thuyết minh viên am hiểu bản sắc văn hóa chùa Khmer để giới thiệu sơ lược cho du khách về lịch sử hình thành, tên gọi, chất liệu của các loại nhạc cụ dân tộc, các điệu múa Khmer... nhằm tạo nên sự hấp dẫn hơn nữa đối với du khách. Ngoài ra, tăng cường đưa các loại đặc sản của phum, sóc và quà lưu niệm vào phát triển du lịch văn hóa Khmer.

Bài và ảnh: HỮU LỢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.