Không thể chối từ trước lời mời hấp dẫn của bà cụ, mỗi người chúng tôi nhận từ tay bà một chiếc bánh tẻ còn nóng hổi. Bánh tẻ Cầu Liêu khá to, được gói cầu kỳ qua hai lớp lá. Người ăn chỉ cần khẽ mở ra đã thấy màu trắng đục và mùi thơm dịu nhẹ lan tỏa. Miếng bánh chấm với nước mắm cốt đã vắt chanh, rắc thêm chút bụi tiêu trên mặt vừa đưa vào miệng đã thấy thơm ngon, đậm đà. Đợi khách ăn xong, bà Vân mới nói về điểm độc đáo của bánh tẻ Cầu Liêu. Hóa ra, ngoại trừ lớp lá dong bên ngoài thì lớp lá đặc biệt bên trong là lá tre mai. Lá tre mai có đặc điểm to bản gần bằng lá dong nhưng có độ dai và thơm dịu, thích hợp để gói bánh tẻ. Chính vì vậy, người làm bánh phải mất công tìm mua ở các xã quanh vùng như Cần Kiệm, Tiến Xuân.
 |
Chị Nguyễn Thị Thanh gói mẻ bánh mới. |
Biết chúng tôi muốn mua thêm món bánh quê làm quà, bà Vân giới thiệu hộ làm bánh của chị Nguyễn Thị Thanh ở ngay đầu làng Cầu Liêu. Vừa đến đầu cổng, chúng tôi đã bắt gặp những bó lá tre mai, lá dong xếp dọc hai bên lối vào nhà. Trong ngôi nhà khang trang, chị Thanh và các thành viên trong gia đình đang làm mẻ bánh chiều. Theo quan sát của chúng tôi, hộ sản xuất của chị Thanh có 5 người làm. Mỗi người đảm nhận một khâu của công việc từ quấy bột, xào nhân, gói bánh đến buộc dây nên tiến độ làm việc rất mau lẹ. Chị Thanh lấy lá tre mai rồi đến lá dong khổ lớn hơn ở bên ngoài đặt trên tay. Gạt một lớp bột dày trên mặt lá, chị khum lòng bàn tay cho nhân rồi lại thêm một lớp bột nữa. Hai lớp lá khéo ôm trọn chiếc bánh được đặt gọn gàng trên chiếc bàn lớn. Một người làm khác sẽ gập lá bánh lại và buộc dây hoàn chỉnh trước khi cho lên hấp chín.
Bên mẻ bánh đang làm, chị Thanh kể: “Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ, bà tôi đã bắt đầu làm bánh tẻ để bán. Người trong vùng không ai là không biết đến bánh tẻ bà Đô-bà tôi. Ngày xưa, các cụ xay bột thủ công bằng cối đá, mỗi ngày chỉ làm được khoảng trăm chiếc. Bây giờ vợ chồng tôi sử dụng máy xay bột, đủ cung cấp hơn 1.000 chiếc bánh ra thị trường mỗi ngày”.
Cũng theo chị Thanh, để có mẻ bánh đúng thương hiệu bánh tẻ Cầu Liêu truyền thống, ngoài việc gói bằng lá tre mai thì điều quan trọng là chọn được gạo chuẩn. Gạo làm bánh tẻ phải là gạo tám cũ, vừa dẻo lại ráo, để qua một vụ mới được dùng làm bánh. Sau khi ngâm khoảng 4 tiếng, gạo được xay thành bột. Bột đã pha nước theo đúng tỷ lệ rồi khuấy đều trên bếp lửa. Công việc khuấy bột được làm trực tiếp bằng tay nên đòi hỏi người làm bánh phải kiên nhẫn và có sức khỏe. Bột khuấy đều đến khi quánh lại nửa sống, nửa chín thì đủ tiêu chuẩn để gói bánh. Nhân bánh tẻ Cầu Liêu cũng giống các nơi khác gồm thịt lợn, hành khô, mộc nhĩ, nấm hương được tẩm ướp đều và xào đậm vị.
Không chỉ là món ăn truyền thống được người dân lưu giữ, bánh tẻ Cầu Liêu còn góp phần phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình ở địa phương. Nói về điều này, ông Cường Mạnh Đỏ, Chủ tịch UBND xã Thạch Xá cho biết: “Cầu Liêu là thôn nhỏ nhất của xã với gần 100 hộ dân. Cả thôn hiện có khoảng 10 hộ chuyên làm bánh với số lượng từ 30 đến 70kg gạo/hộ/ngày. Nếu như trước đây bánh tẻ là món quà quý chỉ có trong các dịp cưới hỏi, lễ, tết thì nay đã trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày, giúp các hộ sản xuất có nguồn thu nhập ổn định”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN