Nằm bên dòng sông Đuống, làng Trường Lâm có quá trình hình thành, phát triển gắn liền với dòng chảy lịch sử kinh thành Thăng Long-Hà Nội. Lễ hội làng Trường Lâm và nghi thức múa rắn lột có từ thế kỷ 15, gắn liền với di tích lịch sử đình Trường Lâm thờ 3 vị Thành hoàng làng là Linh Lang Đại vương, công chúa Đào Hoa và công chúa Phù Nương.
Tương truyền, Linh Lang đại vương là con trai Long Vương, đầu thai làm con của vua Lý Thánh Tông, gọi là Hoàng Lang. Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng Lang xin vua đi đánh giặc. Khi giặc tan, Hoàng Lang hóa thành con bạch xà trăm trượng trườn xuống hồ Tây rồi biến mất.
 |
Tái hiện điệu múa rắn lột tại Lễ hội đình Trường Lâm Xuân 2023.Ảnh: NGUYỄN THANH |
Làng Trường Lâm vào những năm 70 của thế kỷ trước vẫn là một làng quê thuần nông, nay đã trở thành phố phường sầm uất, náo nhiệt. Tuy vậy, người dân nơi đây vẫn gìn giữ, bảo tồn nghi thức múa dân gian cổ rắn lột độc đáo của quê hương.
Theo TS Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, trong 269 làng xã trong cả nước thờ Linh Lang đại vương là Thành hoàng làng, chỉ duy nhất ở đình Trường Lâm có điệu múa rắn lột. Điệu múa vừa thể hiện sự tích Linh Lang đại vương, vừa thể hiện mong muốn tiêu thoát nước, trị thủy của người dân. Hình ảnh uốn lượn của rắn tượng trưng cho dòng nước chảy lên xuống, cũng là khát vọng của người dân về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghi thức múa rắn lột đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.
Để tái hiện nghi thức múa rắn lột tại lễ hội đình Trường Lâm, Ban tổ chức lễ hội chọn khoảng chục nam thanh niên tuấn tú ra trình diễn, mỗi người đảm nhận một khúc của con rắn. Các thanh niên trong trang phục màu trắng, đeo thắt lưng vải màu vàng, bám vào nhau, di chuyển theo dáng khom người để tạo thành hình con rắn hoàn chỉnh. Màn múa không thể thiếu người cầm trống khẩu vừa gõ vừa xướng khúc đồng dao: “Bạch xà đại tướng/ Mình dài muôn trượng/ Đi khắp bốn phương/ Hộ quốc an dân/ Khang dân vật thịnh/ Trở về làng ta/ Là Trường Lâm sở/ Mở hội xướng ca/ Đình trung vui vẻ/ Chúc già mạnh khỏe/ Trẻ được bình an /Con cháu thảo hiền/ Nhân dân thờ phụng...”.
Người cầm trống khẩu chỉ huy rắn trườn, bò, lộn, thể hiện quá trình lột xác. Mỗi một động tác thể hiện sự chuyển mình của rắn, bắt đầu từ mềm yếu đến khi lột xác thì mạnh mẽ, thể hiện ý nghĩa câu chuyện của nhân dân ta thời xưa bị đàn áp rồi vùng lên với sức sống mãnh liệt.
Ông Âu Xuân Kiên, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình Trường Lâm cho biết, Lễ hội đình Trường Lâm năm nay càng thêm ý nghĩa vì di tích đình Trường Lâm vừa được khánh thành sau một năm tu bổ với kinh phí 5,7 tỷ đồng. Hệ thống các hạng mục như tường đại đình, tả vu, hữu vu, tả môn, hữu môn, tường rào, thủy đình, cổng rước kiệu, sân, đường dạo đã được tu bổ, tôn tạo, góp phần nâng cao tính thẩm mỹ mà vẫn bảo toàn những giá trị truyền thống của di tích.
Trước khi vào lễ hội, nhiều thanh niên xung phong tình nguyện, hăng hái tham gia tập luyện để thể hiện điệu múa rắn lột được nhuần nhuyễn, đẹp mắt. Sau hai năm tạm dừng do dịch Covid-19, Lễ hội đình Trường Lâm Xuân Quý Mão diễn ra nhộn nhịp, tưng bừng. Sau màn trống hội, múa rồng, lột rắn, nhân dân địa phương và du khách được tham gia nhiều hoạt động lễ hội, như: Rước nước, rước văn, tế thánh, đá cầu, bóng chuyền hơi...
THUẬN THIẾT