Hẹn đến gặp NSND Ứng Duy Thịnh một buổi chiều đông, khi ông vừa nhận được thông báo của Ban tổ chức mời tới dự và nhận giải trong Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vào ngày 13-12 tới. NSND Ứng Duy Thịnh là một trong 16 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này. Ông bảo xúc động lắm. Ngồi trò chuyện với ông, thỉnh thoảng lại có những cuộc điện thoại của bạn bè, đồng nghiệp và học trò gọi điện chúc mừng.

leftcenterrightdel
 NSND Ứng Duy Thịnh (giữa) trong niềm vui chúc mừng của đồng nghiệp, học trò sau buổi công diễn vở kịch múa “Trăng treo” năm 2020. 

Kịch múa “Đất nước”, “Ngọn lửa” và cuốn sách “Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp” của NSND Ứng Duy Thịnh gửi xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ là 3 trong hàng chục tác phẩm, công trình do ông sáng tác, trực tiếp biên đạo, dàn dựng sau khi được trao Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu NSND năm 2001. Nghệ sĩ nhớ đến những giai đoạn khó khăn của làm nghề, không hài lòng với các vai diễn, ông đã mày mò sáng tác, biên đạo, lúc đạp xe, rồi sắm được chiếc xe máy hay trên những chuyến xe khách rong ruổi khắp các nẻo đường, vùng miền trên cả nước để tìm chất liệu cho những tác phẩm của mình. Những tác phẩm của NSND Ứng Duy Thịnh đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam, như: “Con đường ra chiến dịch”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Thư nhà”, “Pho tượng cổ”, “Bầu trời và lời ru”, “Bông lan trắng"...

Ai từng được thưởng thức kịch múa “Đất nước” do NSND Ứng Duy Thịnh biên đạo đều dành cho tác phẩm những lời bình phẩm đẹp. “Đất nước” không chỉ mang tính sử thi mà còn giàu chất thơ, mang dáng dấp huyền thoại về con người Việt Nam trong suốt mấy cuộc chiến tranh gian khổ, hy sinh. Tác phẩm được trao giải A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2008. Những thành công trong sự nghiệp múa mà NSND Ứng Duy Thịnh đạt được là nhờ sự tích lũy từ những năm tháng ông được tu nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa tại Học viện Leningrat (Nga). Đây chính là khoảng thời gian để ông được chạm đến những đỉnh cao của nghệ thuật qua nhiều môn học tại một trung tâm nghệ thuật lớn của thế giới, để khi trở về Tổ quốc, ông đảm nhận vai trò đạo diễn những sự kiện lớn của đất nước, như: SEA Games 22, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội; viết những công trình nghiên cứu, lý luận về múa, để lại dư âm sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và công chúng.

Không chỉ được biết đến là một nghệ sĩ tài năng trong lĩnh vực múa, biên đạo múa, ông còn là một người thầy tận tâm, một cán bộ hết mình vì sự nghiệp chung của đơn vị khi đảm trách vị trí Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

NSND Duy Thịnh luôn quan niệm đã là nghệ sĩ phải nêu cao trách nhiệm công dân và trách nhiệm với những cảm xúc nghệ thuật, để làm sao nghệ thuật phải làm “tổ” trong trái tim khán giả. Đó cũng luôn là bài học ông truyền lại cho các thế hệ học trò của mình. NSND Ứng Duy Thịnh tâm sự: “Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là chất liệu quý giá để các nghệ sĩ tiếp tục khai thác, sáng tạo, đưa đến công chúng, giúp con người nhận thức lại bản thân mình, làm cho nhân cách con người đẹp hơn. Tôi cũng hy vọng, các đơn vị nghệ thuật của Quân đội sẽ tập trung, dành tâm huyết sáng tạo, cống hiến để dàn dựng những tác phẩm, kịch mục lớn, để lại dấu ấn trong nghề, khán giả trong nước và quốc tế; nhất là những sự kiện đặc biệt sắp tới như kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 90 năm thành lập nước”.

Bài và ảnh: CHÂU XUYÊN