Lâu nay, TP Hồ Chí Minh được biết đến với danh xưng “thành phố nghĩa tình”. Cái tên ấy không chỉ là một mỹ từ, mà là kết tinh của bao câu chuyện về lòng nhân ái, sự sẻ chia và tinh thần cởi mở.

Người ta kể rằng, ở đây, chẳng ai bị bỏ lại phía sau. Dù là người tha hương lập nghiệp hay du khách tới thăm, chỉ cần một lần ghé đến, bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp như trở về nhà. Nhưng trong chuyến đi này, tôi nhận ra rằng, “nghĩa tình” thôi thì chưa đủ để nói hết về thành phố này.

Người dân TP Hồ Chí Minh và du khách vui mừng đón Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng. Ảnh: TUẤN HUY 

Có thời gian đi “phượt bộ”, tôi chứng kiến sự náo nhiệt và đầy sức sống của trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và hàng đầu cả nước này. Dọc các tuyến đường như Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Pasteur hay quanh Dinh Độc Lập, từng hàng cây xanh rợp bóng, cờ hoa, băng rôn, panô, áp phích rực rỡ với dòng chữ chào mừng 50 năm thống nhất đất nước tung bay đầy kiêu hãnh trong gió.

Không khí những ngày này thật hào hùng. Người dân thành phố, từ những bác xe ôm, cô bán hàng nước, đến các bạn trẻ, đều háo hức bàn tán về sự kiện lớn của đất nước. Tôi bắt gặp ở họ những ánh mắt lấp lánh, ánh lên niềm tự hào rạng ngời khi nói về ngày 30-4 lịch sử mà cha ông ta đã đổ biết bao máu xương mới giành được.

Các thiếu nữ chụp hình cùng các chiến sĩ tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng. Ảnh: NGÂN MINH 

Ngày diễn ra sơ duyệt, tổng duyệt cấp Nhà nước cho lễ kỷ niệm, tôi đứng giữa dòng người, hòa mình vào không khí trang nghiêm mà rực rỡ. Các khối diễu hành với bộ quân phục chỉnh tề và những bước chân mạnh mẽ tiến qua các con phố. Tiếng hô dõng dạc, nhạc hào hùng vang lên, như khơi dậy trong mỗi người ký ức về một thời hào hùng của dân tộc.

Chào đón họ chính là dòng người đông nghịt hai bên đường, tay vỗ không ngớt, vẫy cờ hoa, biểu ngữ, miệng hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành toàn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa kháng chiến đã thành công. Việt Nam Hồ Chí Minh, Việt Nam Hồ Chí Minh...” theo từng nhịp bước chân của cán bộ, chiến sĩ reo vui. Họ không chỉ là khán giả, mà là một phần của buổi lễ, những người tiếp nối tinh thần đoàn kết và yêu nước.

Giữa cái nắng oi ả, tôi được thấy những cử chỉ giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Những cô, bác lớn tuổi mang theo những thùng nước suối ướp đá, những chiếc quạt tay chia sẻ cho các khán giả. “Uống miếng nước cho mát con ơi, đứng lâu mà không quen nắng là chóng mệt nghen!” - một cô trung tuổi, với chất giọng Nam Bộ đặc trưng, đưa chai nước về phía tôi, nở nụ cười hiền lành. Tôi nhận chai nước, lòng ấm áp lạ. Đó là cả tấm lòng của người dân nơi đây, luôn sẵn sàng sẻ chia, dù là những điều nhỏ bé. Những chai nước suối được phát đi, những lời hỏi han chân thành được trao nhau. Tất cả như xua đi cái nóng, làm dịu đi sự mệt mỏi của hàng giờ đồng hồ dưới nắng.

Nhân dân và du khách đổ ra hai bên đường đón các khối diễu hành qua một tuyến phố trong buổi tổng duyệt. Ảnh: HOÀNG THÀNH 

Điều làm tôi bất ngờ hơn cả là sự thân thiện của người dân Thành phố. Khi những khối diễu binh cuối cùng đi qua, bà con vẫn chưa nỡ rời bước, từng khuôn mặt như còn lưu lại niềm xúc động sâu sắc. Mọi người cùng kéo đến vị trí các khối đội ngũ dừng lại nghỉ ngơi. Nhiều người dân, từ trẻ nhỏ ríu rít đến người lớn tuổi hồ hởi, xin chụp ảnh cùng các anh, các chị, các cô chú bộ đội. Những nụ cười rạng rỡ, những câu nói đùa vui vẻ vang lên không ngớt. “Làm một pô ảnh với chị nha, để chị làm kỷ niệm!” - một cô gái trẻ với chất giọng Nam Bộ đặc trưng vừa nói vừa giơ điện thoại, ánh mắt lấp lánh. Tôi đứng đó, cảm nhận được sự gần gũi, như thể họ đã quen thân tự bao giờ. Không hề có khoảng cách, không hề có sự xa lạ, chỉ có những trái tim rộng mở, sẵn sàng kết nối.

Trong những ngày tiếp theo, khi tham gia hoạt động tuyên truyền tại các địa điểm, tôi càng thêm thấm thía sự thân thiện ấy. Dù mặt trời đang đứng bóng, khu vực công viên Bến Bạch Đằng lúc nào cũng nhộn nhịp bởi hàng trăm người dân và du khách tới tham quan, cổ vũ các cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Pháo binh luyện tập bắn pháo lễ. Họ mang theo nụ cười, tiếng vỗ tay rộn ràng. Tôi đứng giữa đám đông, nghe tiếng reo hò vang dội mỗi khi bộ đội pháo binh hoàn thành bài tập. Một cô bé vẫy cờ, hét lớn: “Cố lên các chú bộ đội!” - nụ cười hồn nhiên làm tan biến cái nóng bức trên những khuôn mặt đẫm mồ hôi của các pháo thủ.

Sự thân thiện càng bùng nổ khi Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến thăm, động viên lực lượng này. Đám đông vỡ òa, cả “rừng” cánh tay vươn lên, nhưng không hề có hiện tượng xô đẩy. Nhiều người, sau khi được bắt tay với đồng chí Bộ trưởng, nhảy lên sung sướng. Rồi ở một khu phố nhỏ tại Quận 3, các bà, các cô trong hội phụ nữ mời chúng tôi những ly chè đậu xanh mát lạnh, rồi say sưa kể về những ngày tháng Tư năm ấy, khi họ còn trẻ, khi Sài Gòn rợp cờ hoa trong ngày thống nhất, non sông liền một dải.

Rất đông người dân còn nán lại để chia tay cán bộ, chiến sĩ các khối diễu binh, diễu hành trên đường trở về nơi đóng quân. Ảnh: NGÂN MINH

TP Hồ Chí Minh, với tôi, không chỉ là những con đường tấp nập, những tòa nhà chọc trời, hay chợ Bến Thành nhộn nhịp người mua kẻ bán. Nó còn là những khoảnh khắc giản dị, những nụ cười chân thành, những tấm lòng rộng mở.

Người dân nơi đây đã biến một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước thành một dịp để gắn kết, sẻ chia và lan tỏa tình dân tộc, nghĩa đồng bào. “Thành phố nghĩa tình” là cái tên mà ai cũng biết, nhưng “thành phố thân thiện” là điều tôi muốn thêm vào, như một cách để tôn vinh sự cởi mở và ấm áp mà mình được trải nghiệm.

THÁI BÌNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.