Lịch sử thăng trầm của xích lô

Ngược dòng lịch sử, chúng ta cùng tìm hiểu về sự thăng trầm của xích lô. Tháng 4 năm 1936, một số nhà thầu ở Hà Nội cũng đã gửi đơn xin phép cho lưu thông xe xích lô ở Hà Nội, trong đó sớm nhất có thể kể đến nhà thầu Trần Việt Thanh và Lê Hứa. 

Ngày 20 tháng 4 năm 1936, nhà thầu Trần Việt Thanh ở số 12 Hàng Vôi, Hà Nội gửi Đốc lý Hà Nội đơn xin lưu thông 500 xe xích lô chở khách, kèm theo mẫu thiết kế xe. Cũng vào tháng 4 năm 1936, nhà thầu Lê Hứa ở số 44 phố Richaud (nay là phố Quán Sứ) cũng đã có đề nghị xin phép lưu thông 500 xe xích lô.

Mẫu thiết kế xe xích lô gửi kèm theo đơn xin lưu thông xe của nhà thầu Nguyễn Việt Thanh ngày 20 tháng 4 năm 1936. Nguồn: Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 

Tuy nhiên, chính quyền thành phố Hà Nội đã từ chối yêu cầu của 2 nhà thầu trên vì lý do thành phố đang có quá nhiều xe cộ nên chưa cho phép lưu thông loại xe mới này.

Xe xích lô, trong tiếng Pháp là “cyclo pousse” là một sáng chế của ông Coupeaud. Xích lô là kiểu xe đạp 3 bánh, được làm bằng chất liệu nhẹ, có dáng vẻ thanh lịch và tiện nghi. 

Xích lô khác với một loại xe đạp 3 bánh khác cũng xuất hiện thời kỳ đó là hành khách ngồi phía trước và người đạp xe ở phía sau. Loại xe mới này có vận tốc nhanh hơn xe kéo tay.

Các nhà thầu đều đưa ra lý do thuyết phục cho việc đưa vào khai thác loại xe mới này vì đặc điểm và tính chất của nó. Người đi xe này được gọi là “người đi xe đạp” (bicyclistes) chứ không phải “người kéo xe” (tireurs) hay phu xe (coolies de pousse-pousses). Do đó, vấn đề chỉ trích xã hội “người ngựa, ngựa người” sẽ không còn nữa nếu sử dụng loại xe này.

Năm 1938, những chiếc xe xích lô đầu tiên của công ty OMIC được lưu thông tại Hà Nội. OMIC là công ty đầu tiên được khai thác xe xích lô ở Hà Nội. Ban đầu là vài chục chiếc rồi sau tăng lên khoảng sáu chục chiếc xe. Số lượng này tiếp tục tăng lên sau đó. 

Thư của công ty OMIC gửi Đốc lý Hà Nội xin phép cho lưu thông 33 chiếc xích lô thay cho 33 chiếc xe kéo hạng sang đã được cấp phép. Nguồn: Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1 

Năm 1940, OMIC đã có 91 chiếc xích lô lưu thông và xin phép thêm 33 chiếc nữa thay cho 33 chiếc xe kéo được phép trước đó. Tổng số xích lô của công ty sau đó là 124 chiếc và tiếp tục hoạt động cho thuê những năm tiếp theo ở Hà Nội.

Xích lô của Hà Nội thấp và ngắn, xích lô Đồng bằng sông Cửu Long thì người đạp ngồi trước, khách ngồi sau, xích lô Sài Gòn lại cao lênh khênh, chỗ ngồi của khách rất hẹp. 

Sau ngày giải phóng Thủ đô năm 1954, phương tiện giao thông chủ yếu trên đường phố Hà Nội là xe đạp và tàu điện vì quan niệm người ngồi xe như đang bóc lột sức lao động của người đạp. Xích lô ngày đó lại trở thành phương tiện chủ yếu để trở hàng phục vụ nhu cầu của người dân. 

Trong những năm chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc đã tôn vinh chiếc xích lô của người lao động, xích lô trở thành phương tiện hữu ích phục vụ sản xuất và chiến đấu. Xích lô đưa người đi sơ tán, chở người bị thương đi cấp cứu.

Những năm gần đây, do mật độ tham gia giao thông đông đúc, đường sá chật hẹp nên từ ngày 23-3-2001, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 12/2001/QĐ-UB về việc hạn chế và cấm một số phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố, trong đó chỉ cho phép một số xe xích lô đã đăng ký hoạt động được hành nghề vận chuyển khách du lịch.

Trong tâm trí của người Hà Nội, hình ảnh những chiếc xích lô chạy thong dong trên phố đã trở thành một nét đẹp, một thói quen. 

Xích lô gìn giữ nét đẹp văn hóa Thủ đô

Hà Nội là thành phố sầm uất nhộn nhịp với nhiều loại phương tiện, từ những chiếc xe hơi sang trọng đến những chiếc xe đạp, xe xích lô đơn giản bình dị. Trong ký ức của người Hà Nội, những chiếc xe cùng màu sơn một kiểu dáng và những người đạp xích lô mặc đồng phục lịch sự mến khách. 

Dòng xích lô yên tĩnh, thong thả lượn trong từng con phố cổ khiến miền phố cổ lại càng cổ thêm. Du khách nước ngoài đều muốn một lần được ngồi trên chiếc xe bình dị nhưng đầy quyến rũ dạo chơi qua 36 phố phường. 

Sau khi đã trải nghiệm việc ngồi xích lô, tôi cũng phải thốt lên rằng: “Bạn có thể quan sát từ chi tiết đến toàn cảnh thành phố trên mọi phương tiện nhưng không gì thú vị hơn bằng việc ngồi xích lô!”.

Xích lô còn được sử dụng trong nhiều đám ăn hỏi, rước dâu tạo nên nét riêng trong đám cưới Hà thành. 

Ngày nay, từ việc ăn hỏi, dẫn cưới bằng xích lô lọng vàng với hơn chục chiếc đủng đỉnh trên đường phố là nét thanh lịch, nét riêng của những người Hà thành xưa. 

Nhiều người quan niệm, người làm nghề xích lô là cùng khổ và cùng cực. Đó là những quan niệm sai lầm, bởi đó là phương thức sinh hoạt xã hội của người lao động góp phần gìn giữ nét đẹp của một vùng đất nghìn năm văn hiến. 

Giữa một Thủ đô có tuổi đời hàng nghìn năm, hiện đại và đầy cổ kính thì xích lô gợi nhắc cho bao nhiêu người về quá khứ, hiện tại, tương lai. 

Từng vòng từng vòng bánh xe quay lại gợi nhắc cho chúng ta bao điều về Hà Nội, dường như vào thời khắc ấy chúng ta có thể gác đi bao lo toan bộn bề công việc hít hà bầu không khí trong lành, mùi của những thức quà, ngắm nhìn phố phường ngày một chuyển mình mạnh mẽ và tươi đẹp hơn. 

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC