Phóng viên (PV): Thưa ông, ông nhìn nhận về vai trò của tranh biếm họa ở nước ta như thế nào?
Họa sĩ Lý Trực Dũng: Vai trò của tranh biếm họa nổi bật qua các cuộc kháng chiến, là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đó đến nay, tranh biếm họa Việt Nam đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ, là tiếng nói tinh tế, sắc sảo giúp mọi người nhìn nhận các lĩnh vực đời sống xã hội từ nhiều góc độ khác nhau.
 |
Họa sĩ Lý Trực Dũng. |
PV: Thực trạng tranh biếm họa đương đại trong đánh giá của ông ra sao?
Họa sĩ Lý Trực Dũng: Theo quan sát của tôi, biếm họa vẫn có vai trò nhất định nhưng không còn không khí rầm rộ như cách đây khoảng chục năm. Báo chí vẫn đăng tranh biếm họa nhưng không còn sâu sắc, mang sức nặng như trước nữa.
Về góc độ các cuộc thi tranh biếm họa, ngày trước có rất nhiều, là động lực khuyến khích các họa sĩ, bây giờ thì hầu như vắng bóng. Như giải biếm họa báo chí Việt Nam-cúp Rồng Tre là cuộc thi biếm họa toàn quốc đầu tiên ở Việt Nam, do Báo Thể thao & Văn hóa khởi xướng năm 2007. Trải qua 4 kỳ, Giải bị ngắt quãng năm 2015 rồi được tổ chức lại năm 2019 và đến nay cũng đã bẵng đi 5 năm. Hay Báo Nhân dân Cuối tuần trước đây cũng có dành một trang biếm họa, song khoảng một năm nay, trang báo ấy cũng tạm dừng.
 |
Một tranh biếm họa của họa sĩ Lý Trực Dũng. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
PV: Hiện trạng trên xuất phát từ đâu, thưa ông?
Họa sĩ Lý Trực Dũng: Nguyên nhân chính là do nhu cầu của người sử dụng biếm họa, mà ở đây là các cơ quan báo chí truyền thông, tổ chức cơ quan đoàn thể. Bây giờ báo in không còn vị thế như xưa nữa, vị trí của tranh biếm họa cũng không được coi trọng nên chất lượng cũng nhạt nhòa. Họa sĩ tâm huyết vẽ không có đất dùng, không sống được bằng nghề thì người ta phải dừng...
Một tranh biếm họa được trả trung bình 100.000-200.000 đồng là rất thấp. Đã có thời, tranh biếm họa được cơ quan nhà nước và cá nhân mua. Thậm chí họa sĩ vẽ tranh biếm họa có thể triển lãm cá nhân... Nhưng đã qua rồi thời hoàng kim ấy.
PV: Theo ông, vẽ tranh biếm họa dễ hay khó?
Họa sĩ Lý Trực Dũng: Cách đây khoảng 50 năm ở Việt Nam, khái niệm biếm họa chưa thông dụng mà người ta thường dùng tranh châm biếm, tranh đả kích, tranh cười, ký họa... Vẽ được một tranh biếm họa hay rất khó. Nếu dễ thì chắc nước ta đã có hàng chục triệu họa sĩ biếm họa rồi. Biếm họa cũng như các bộ môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, văn học, âm nhạc... xứng đáng được coi trọng.
Một bức tranh biếm họa hay có giá trị bằng ngàn câu chữ. Ở Đức, tranh biếm họa được treo cả ở trong trụ sở của chính phủ. Tranh biếm họa hay làm người xem thông qua các hình vẽ hài hước, phi lý buộc phải suy nghĩ, trăn trở, đồng cảm về vấn đề xã hội bất cập mà bức tranh đề cập, lên án sự bất công, ủng hộ, bảo vệ chân lý, lẽ phải, cái thiện... Có nhiều tranh biếm họa hay, tôi chỉ xem một lần cách đây hơn 50 năm mà nay vẫn còn nhớ, còn thích.
PV: Ngày nay, trí tuệ nhân tạo cũng có thể vẽ được tranh. Ông nhìn nhận ra sao về thách thức này đối với họa sĩ biếm họa?
Họa sĩ Lý Trực Dũng: Tôi lại không nghĩ nhiều về nó, nhất là với biếm họa. Bởi vì như tôi đã nói, biếm họa đến từ trí tuệ. Yếu tố đầu tiên của một họa sĩ biếm họa phải là ý tưởng, là đầu óc sáng tạo, không phải kỹ thuật. Đã là sáng tạo, là trí tuệ thì không máy móc nào có thể thay thế được. Tranh biếm họa có thể không phức tạp, thậm chí giản đơn chỉ vài đường nét nhưng hàm ý rất sâu sắc. Chưa kể biếm họa bây giờ rất đa dạng cách thể hiện, nhưng mấu chốt khác biệt vẫn là ý tưởng.
PV: Ông nhìn về tương lai của tranh biếm họa như thế nào?
Họa sĩ Lý Trực Dũng: Thực ra, các vấn đề mà tôi vừa nêu đều đặt trong bối cảnh phát triển chung của xã hội. Tôi cho rằng đời sống biếm họa tuy gian nan vẫn cứ tồn tại. Họa sĩ với ý thức trách nhiệm xã hội sẽ luôn là người cất lên tiếng nói tích cực góp phần thay đổi cách nhìn của chúng ta về cuộc sống. Tranh biếm họa vẫn và sẽ luôn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật nước nhà.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGỌC HÀ (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.