1. Đô thị hóa là quá trình biến một khu vực dân cư, thường là nông thôn có sinh kế của người dân gắn liền với nông nghiệp, trở thành một khu vực đô thị với các nghề nghiệp phi nông nghiệp. Từ những điểm dân cư nhỏ lẻ ban đầu (các khu vực tạo thị), đô thị hóa khiến chúng trở nên lớn dần lên cả về mặt dân số lẫn diện tích. Theo thời gian, khối dân cư này dần mở rộng và những khu vực tạo thị sẽ hình thành nên lõi trung tâm đô thị-nơi có tuổi đời đô thị là lâu nhất và đương nhiên mức độ đô thị hóa 100%, nghĩa là không còn dân cư hoạt động trong các ngành nông nghiệp nữa. Hiểu một cách đơn giản, nếu xem mức độ đô thị hóa của khu vực thuần nông thôn là 0% và tạm xác định ranh giới giữa đô thị với nông thôn là khu vực có mức độ đô thị hóa 50% thì xung quanh khu vực này sẽ có những khu vực chuẩn bị đạt và vượt 50%. Nói cách khác, đây chính là vùng chuẩn bị mang tính chất đô thị, được gọi là “vùng ven đô”, mà trong các nghiên cứu quốc tế, thường được biết đến bởi hai khái niệm là sub-urban, nghĩa là “dưới đô thị” khi để chỉ khu vực chưa đủ mức độ đô thị hóa, hay peri-urban, nghĩa là “bao quanh đô thị” khi để chỉ vị trí của khu vực này.

leftcenterrightdel
 Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hòa Lạc đi vào hoạt động góp phần nâng tầm kiến trúc, cảnh quan đô thị vệ tinh Hòa Lạc của Hà Nội. Ảnh: PHÚC NGUYỄN 

Chính vì đang trong quá trình chuyển đổi, “nâng cấp” lên đô thị nên vùng ven đô các thành phố được xem là nơi sôi động và có nhiều vấn đề phát sinh trong lĩnh vực kiến trúc và cảnh quan đô thị. Sự chuyển đổi trạng thái đã làm cho kiến trúc cảnh quan các khu vực này trở nên “chông chênh” khi nông thôn thì đã qua mà đô thị lại chưa tới. Đây là nơi chứng kiến những chuyển đổi mạnh mẽ từ môi trường tự nhiên nông thôn vốn gắn với ruộng đồng, vườn tược... sang môi trường xây dựng đô thị đặc trưng bởi những công trình kiến trúc và các cơ sở hạ tầng nhằm thỏa mãn những yêu cầu mà đô thị cần có.

2. Vùng ven đô Hà Nội là một minh chứng điển hình cho quá trình chuyển đổi nói trên. Sự mở rộng địa giới hành chính năm 2008 đã bổ sung cho Hà Nội một vùng ven đô dồi dào về đất đai để phát triển. Thực tế cho thấy, 15 năm sau quyết định mở rộng, vùng ven đô Hà Nội đã cho thấy nhiều khởi sắc quan trọng với nhiều dự án khu dân cư, khu công nghiệp, quần thể các công trình công cộng có kiến trúc hiện đại, thiết kế cảnh quan đẹp được hình thành, giảm bớt gánh nặng tập trung dân cư vào nội đô thành phố. Bên cạnh đó, nhiều dự án kiến trúc lẫn hạ tầng đô thị quan trọng về giáo dục, văn hóa, du lịch, giải trí... được thiết lập với những quan điểm mới về quy hoạch và kiến trúc góp phần định hình diện mạo Hà Nội thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kiến trúc và cảnh quan mới đáng tự hào bởi được thiết kế một cách bài bản và cẩn thận, tuân thủ theo các đồ án quy hoạch và thiết kế đô thị tạo nên những điểm sáng, vùng ven đô cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều vấn đề về kiến trúc cảnh quan.

Đầu tiên, những yếu tố cảnh quan tự nhiên như cây cối, mặt nước... dần được thay thế bằng các công trình ngày càng cao hơn, to hơn khiến môi trường sinh thái dần thu hẹp khi các dự án xây dựng nhắm nhiều hơn đến vùng ven đô bởi nơi đây có quỹ đất dồi dào và giá đất rẻ hơn nhiều so với khu vực nội đô dẫn đến chuyển đổi số lượng lớn đất nông thôn sang đất đô thị. Ở một số khu vực ven đô, khi chuyển đổi mang nhiều tính tự phát ngắn hạn mà không có định hướng, chiến lược cho những mục tiêu dài hạn, sự mất cân bằng giữa môi trường tự nhiên và môi trường xây dựng càng trở nên trầm trọng-những mảng màu xanh cảnh quan trở nên nhỏ bé trước màu xám bê tông.

Thứ hai, do mong muốn thay đổi diện mạo đoạn tuyệt với bối cảnh, các kiểu loại kiến trúc hiện đại được cho là xuất phát từ các nước phương Tây theo kiểu “một tiểu châu Âu trong lòng Hà Nội” hay “những không gian phương Tây trong một đô thị phương Đông” đã khiến vùng ven đô Hà Nội trở thành một bộ sưu tập các thể loại kiến trúc Á-Âu kết hợp đặt cạnh nhau tạo nên một tổng thể lộn xộn, thậm chí là đối chọi về mặt phong cách, màu sắc, chất liệu hay tạo hình.

Thứ ba, những khu đô thị mới, khu dân cư với kiến trúc cao tầng, hiện đại và các làng xã truyền thống được đặt ngay sát cạnh nhau tạo nên sự xung đột không chỉ về mặt vật lý, thẩm mỹ đô thị mà còn gây ra nhiều tiềm ẩn về mâu thuẫn xã hội khi những dự án mới thường có xu hướng khép kín để giữ gìn hình ảnh kiến trúc mà dự án cố gắng tạo dựng, đồng thời ngăn cản người dân trong các làng xã sử dụng các không gian kiến trúc hay dịch vụ đô thị của các dự án mới. Điều này vô hình trung đã tạo ra một cách thức phát triển kiến trúc theo kiểu “đồng sàng dị mộng”.

Cuối cùng, các kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống ba hay năm gian tường gạch, mái ngói xinh xắn và duyên dáng bị phá bỏ để thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố hơn được xây dựng kiểu công nghiệp với vật liệu chính là khung bê tông, mái tôn, vách kính. Vườn tược được phân thành nhiều lô nhỏ để bán, rồi từ các lô đất ấy, những ngôi nhà đô thị mọc lên san sát với diện tích mặt bằng nhỏ, trong khi số tầng lại cao, trừ mặt đứng chính còn các mặt khác thì kín bưng, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ cảnh quan kiến trúc mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống và sự an toàn khi phải cư trú.

3. Hà Nội cũng như các thành phố khác của Việt Nam hiện đang quá chú tâm vào quản lý kiến trúc cảnh quan khu vực nội đô mà có phần lơ là với vùng ven đô đang trong giai đoạn thay đổi mạnh mẽ. Từ những vấn đề nêu trên, các nhà quản lý cần xác định vùng ven đô có thể là một khu vực tiềm năng tạo tiền đề cho việc hình thành những kiến trúc và cảnh quan đẹp, nhưng ngược lại đi kèm với đó là nguy cơ trở thành nơi xuất hiện những kiến trúc và cảnh quan bất hợp lý, không phù hợp, thể hiện cho những tư tưởng trưởng giả mới cũng như gây nên những xung đột xã hội và thẩm mỹ. Vùng ven đô của ngày hôm nay rồi sẽ trở thành vùng nội đô của ngày mai. Nếu chúng ta không muốn một diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị Hà Nội trong tương lai xấu xí thì hãy hành động ngay từ bây giờ, đừng để mai sau phải buông lời nuối tiếc “giá như ngày trước...”.

TS, KTS TRẦN MINH TÙNG, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội