Tạo mảng xanh trong lòng đô thị

Kiến trúc xanh là cách sử dụng từ ngữ theo kiểu dân dã, còn về bình diện khái niệm khoa học thường được gọi là kiến trúc phát triển bền vững, kiến trúc sinh thái hoặc kiến trúc thân thiện với môi trường. Hiểu đơn giản, kiến trúc xanh là để chỉ một thiết kế mà nơi đó tạo ra môi trường sống khỏe mạnh, đồng thời nhắm đến sự giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm tiêu thụ năng lượng và hạn chế việc sử dụng nguồn lực, tài nguyên của con người.

Việt Nam bước vào quá trình đổi mới, các đô thị được xác định như những khu vực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế. Đô thị hóa được đẩy mạnh gắn với quá trình xây dựng dẫn đến áp lực “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” khiến công nghiệp hóa kiến trúc là điều không thể tránh khỏi. Vật liệu nhân tạo được sản xuất đại trà thay thế dần vật liệu tự nhiên. Đất đai đắt đỏ khiến những mảng xanh tự nhiên, hồ nước dần biến mất.

leftcenterrightdel

Khu du lịch Làng Mít (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) đoạt Giải Kiến trúc xanh quốc gia năm 2020. Ảnh do Văn phòng kiến trúc 1+1>2 cung cấp 

Điều này vô hình trung làm cho kiến trúc thiếu liên kết với môi trường khi các mảng sinh thái tự nhiên được thay bằng những khối bê tông san sát. Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do phát thải từ các thiết bị máy móc cải thiện tiện nghi vi khí hậu bên trong các công trình, từ hoạt động xây dựng không thể tái tạo được... ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người.

Bước sang thế kỷ 21, các đô thị Việt Nam bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường thì cũng là lúc kiến trúc xanh được du nhập và lan tỏa trong nhiều thiết kế công trình gắn với tên tuổi của các kiến trúc sư (KTS) như: Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Hoàng Mạnh, Hoàng Thúc Hào, Đoàn Thanh Hà... Đây là thời điểm kinh tế-xã hội nước ta phát triển, các chủ đầu tư có tiềm lực trong tay không chỉ xây dựng nhiều công trình đẹp về thiết kế, tiện nghi đầy đủ mà bắt đầu chú ý đến vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường thiên nhiên.

Mặc dù triết lý về kiến trúc xanh xuất phát từ nước ngoài nhưng người Việt Nam từ xa xưa đã có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng công trình hài hòa với thiên nhiên. Theo TS, KTS Trần Quốc Tuân, Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc-Công trình, Trường Đại học Phương Đông: “Kiến trúc bản địa vốn “xanh” vì ngày xưa con người buộc phải thích ứng với môi trường xung quanh. Qua nhiều thế hệ, những kinh nghiệm, sự thông thái dân gian trong thiết kế, sử dụng vật liệu được hoàn thiện dần để ngôi nhà tự vận hành mà không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên”.

Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết “trước cau, sau chuối” để truyền kinh nghiệm về trồng loại cây gì, ở đâu, nhằm giúp điều hòa khí hậu quanh ngôi nhà. Bản thân các KTS người Pháp trước năm 1945, tiêu biểu là KTS Ernest Hébrard (1875-1933), khi xây dựng các công trình bằng bê tông (trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngày nay) cũng rất chú ý đến yếu tố bản địa, kinh nghiệm dân gian với cửa sổ lá sách cao, mở rộng để tăng sự thông thoáng và ánh sáng tự nhiên phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Cho nên, kiến trúc xanh ở Việt Nam hiện nay cần phải dựa vào kinh nghiệm dân gian, thích ứng với môi trường bản địa, tránh rập khuôn tiêu cực. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19-7-2021, đó là: “Phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam; đồng thời quảng bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới”.

Chọn lọc giải pháp xanh hóa

Để thúc đẩy kiến trúc xanh ngày càng phát triển đúng hướng, thực chất, trước hết là vai trò của chủ đầu tư và KTS. “Cuộc chơi” kiến trúc xanh không hề rẻ nên xu hướng này mới chỉ phổ biến trong giới chủ đầu tư thuộc “nhà có điều kiện”. Không dễ để thuyết phục chủ đầu tư bỏ kinh phí xây dựng kiến trúc của mình “xanh” bởi chi phí đầu tư trước mắt cao, trong khi chi phí vận hành lâu dài có thể thấp hơn nhưng lại cần thời gian trải nghiệm, sử dụng thì mới cảm nhận được.

KTS bên cạnh tài năng sáng tạo cần có trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp để đưa ra giải pháp xanh hóa độc đáo, thiết thực, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu để thuyết phục các nhà đầu tư chấp nhận những giải pháp tốn kém, thực sự bền vững, thân thiện với môi trường. 

leftcenterrightdel
Trụ sở mới của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ. Ảnh: PHONG LINH 

KTS, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp cho rằng: “Tùy thuộc vào từng công trình cụ thể, những người tham gia quá trình kiến tạo cần nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp xanh phù hợp. Không nên cho rằng kiến trúc xanh là cứ trồng nhiều cây xanh xung quanh công trình đã là tốt nếu không phải là loại cây phù hợp với khí hậu, trồng không đúng vị trí... Hay khi sử dụng công nghệ năng lượng “sạch” như pin mặt trời, ban đầu có thể tiết kiệm năng lượng nhưng hết thời hạn sử dụng những tấm pin đó lại trở thành rác thải, khó xử lý”.

Theo nhiều chuyên gia, một kiến trúc xanh cần chú ý đến nhiều yếu tố, không chỉ là trách nhiệm của riêng lĩnh vực kiến trúc mà đó còn là sự phối hợp liên ngành mang tính tổng thể, như: Vật liệu, trang thiết bị nội thất, đồ gia dụng... Chính vì vậy, các nhà sản xuất, nhà cung cấp cần kết hợp với các nhà nghiên cứu để tạo ra những vật liệu, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường, giảm các loại rác thải, phế thải xây dựng không thân thiện hiện đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái.

Điều đáng mừng là càng ngày các KTS Việt Nam càng kiên định với ý thức về vấn đề bản địa, ứng dụng tối đa kinh nghiệm dân gian, tìm và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường để tạo ra các công trình xanh thực chất, độc đáo. Có thể kể đến các công trình sử dụng gạch không nung, tre, rơm, kính phát xạ thấp, bê tông từ xỉ lò cao... giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng: Số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng hơn 230 công trình, rất khiêm tốn so với số lượng công trình xây dựng và đưa vào hoạt động trong 10 năm qua. Không chỉ trông chờ vào ý thức tự nguyện của chủ đầu tư và KTS, để kiến trúc xanh thực chất đi vào đời sống cần có những hướng dẫn, quy định hay khuyến khích cụ thể từ Nhà nước. Chỉ khi đó công trình thân thiện môi trường mới là điều tất yếu gắn liền với đạo đức xã hội để các bên liên quan phải cùng thực hiện.

Hiện nay vẫn có một số công trình kiến trúc thoạt nhìn lầm tưởng là kiến trúc xanh, với rất nhiều cây mát mắt, có cả không gian nước nhân tạo nhưng lại thiết kế bất hợp lý ở bên trong, quá trình vận hành công trình tiêu tốn nhiều năng lượng nên thực tế không hề “xanh” một chút nào. Đây chính là nguy cơ của một xu thế kiến trúc thời thượng bỏ qua những nghiên cứu, chọn lọc mà chỉ tập trung vào vỏ bề ngoài mang tính chất trang trí.

HÀM ĐAN