Kiến trúc xanh phong cách Việt Nam

Xu thế xây dựng những công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng đã có từ khá lâu trên thế giới. Mong ước về những công trình thân thiện với môi trường là tiền đề của KTX. Ở Việt Nam, KTX được giới KTS quan tâm từ khá sớm, và đến năm 2011 với "Tuyên ngôn Kiến trúc xanh”, Hội KTS Việt Nam chủ trương đưa KTX trở thành một mục tiêu thiết kế và xây dựng những công trình.

KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nói: “Tôi rất mừng qua 5 lần tổ chức giải thưởng KTX đã tác động được vào nhận thức của cộng đồng. Tiên phong là những KTS trẻ, tài năng, ngày đêm miệt mài sáng tạo làm xanh đô thị, xanh môi trường sống. Và đáng ghi nhận hơn là sự ủng hộ của các nhà đầu tư với KTX. Chúng tôi luôn cho rằng KTX mang bản sắc Việt sẽ là những công trình không chỉ tiện dụng, hiện đại mà còn phải thân thiện, mộc mạc, rẻ tiền. Đó chính là những nét cơ bản của KTX mang bản sắc Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Công trình kiến trúc Khu nghỉ dưỡng sinh thái Castaways Island do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế được đánh giá là công trình kiến trúc xanh tiêu biểu. Ảnh: Hiroyuki Oki

Thật vậy, có một sự khác biệt lớn giữa những công trình KTX của Việt Nam và nước ngoài. Công trình có tên “Ngôi nhà Đức” ở TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Công trình cao 25 tầng có diện tích sàn 40.000m2, sử dụng cấu trúc và vật liệu thông minh để giảm mức tiêu thụ năng lượng nhưng đã tiêu tốn một khoản tiền xây dựng lên đến 100 triệu USD, tương đương với khoảng 2.500USD/m2 xây dựng. So sánh với công trình Farming Kindergarten (nhà trẻ ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) của KTS Võ Trọng Nghĩa có giá xây dựng chỉ 500USD/m2 sẽ thấy KTX mang phong cách Việt Nam tận dụng được những yếu tố thuận lợi của môi trường, khí hậu, hướng tới số đông trong xã hội. Ngoài ra, KTX Việt Nam phải rẻ để nhiều người có thể làm được.

KTS Nguyễn Tấn Vạn kể thêm: Trước đây có một công trình dự giải KTX sử dụng mái che chắn nắng. Đây là giải pháp hợp lý, song hội đồng cho điểm không cao. Lý do chính vì mái che nắng này làm phát sinh thêm chi phí xây dựng công trình. Ngược lại, mẫu nhà cho người thu nhập thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long lại được đánh giá cao vì nó chỉ có giá khoảng 100 triệu đồng cho một căn nhà rộng 100m2, lại có thể di chuyển khi ngập lụt. Tương tự, đó là các công trình: Trường học Lũng Luông, Nhà cộng đồng bản Suối Rè của KTS Hoàng Thúc Hào cũng được đánh giá cao bởi đây chính là những công trình thân thiện, chi phí rẻ, hướng tới cộng đồng.

KTX Việt Nam được đánh giá trong cả quá trình xây dựng, nếu công trình sử dụng nhân công tại chỗ, vật liệu địa phương thì sẽ được cộng cao điểm hơn. Như vậy, KTX không chỉ làm đẹp cho bản thân công trình mà còn mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng sinh sống xung quanh. Đây là biểu hiện mang tính nhân văn của KTX Việt Nam.

Từ công trình xanh đến đô thị xanh

Cuối tháng 4 vừa qua, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018-2019 cũng đã được trao cho nhiều công trình KTX. Trong số này, đáng chú ý có giải bạc được trao cho một công trình quy hoạch đô thị mang tên “Pleiku-thành phố vì sức khỏe”. Đây chính là bản điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công trình được đánh giá cao bởi nó tận dụng tốt nhiều yếu tố tự nhiên như cây xanh, mặt nước, núi cao và đồng bằng để tạo ưu thế cho kiến trúc. Kiến trúc này sẽ dẫn đến lối sống của người dân trong đô thị cũng phải thay đổi theo. Cụ thể, đó là tỷ trọng những công trình công nghiệp sẽ bị giảm bớt, thay vào đó là những công trình công cộng như công viên, cây xanh, hồ nước để bảo vệ sức khỏe người dân. Điều mà bản quy hoạch này hướng tới là xây dựng một thành phố du lịch, dịch vụ và nghỉ dưỡng.

leftcenterrightdel
 

Những thiết kế quy hoạch đô thị và công trình dân sinh theo hướng KTX ngày một xuất hiện nhiều trong các giải thưởng kiến trúc, như: Giải thưởng Loa Thành, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia… GS, TS, KTS Nguyễn Quốc Thông chia sẻ: “Chúng ta đang có một thế hệ KTS tài năng, giàu óc sáng tạo. Theo dõi nhiều cuộc thi chúng tôi thấy, ngay từ sinh viên của các trường đào tạo ngành kiến trúc luôn có tư duy về KTX. Nhiều đồ án thuyết phục được các nhà đầu tư và đã được xây dựng. Tôi cho rằng, với tiến trình này trong tương lai, nhiều đô thị của Việt Nam sẽ được bao phủ bởi những công trình KTX”. Tất nhiên, để bản thiết kế kiến trúc trở thành công trình hiện thực còn cần sự ủng hộ rất nhiều của những nhà đầu tư. Điều đáng mừng là nhận thức của toàn xã hội về KTX cũng đã thay đổi. Nhiều nhà đầu tư khi quyết định xây dựng công trình thường đòi hỏi các KTS phải có những yếu tố xanh. Xanh ở đây không chỉ là cây xanh trang trí mà là sự thân thiện với môi trường. Nhớ lại thời mới “ra nghề”, KTS Võ Trọng Nghĩa không ít lần phải thuyết phục nhà đầu tư. Phương pháp thường làm của anh là làm thật nhiều đồ án KTX rồi cùng với chủ đầu tư phân tích mặt lợi, mặt hại, dần dần thuyết phục. Kết quả, anh luôn đúng, KTX luôn làm hài lòng những chủ đầu tư. Đến bây giờ, phong cách KTX của Võ Trọng Nghĩa đã thành thương hiệu.

Hội KTS Việt Nam cho rằng, KTX là bản sắc của kiến trúc Việt Nam. Điều này rất có lý. Bởi dưới góc độ văn hóa, nhiều người cho rằng KTX hôm nay có mối quan hệ sâu xa tới văn hóa làng xã Việt Nam, đó là tinh thần tôn trọng cộng đồng, hòa hợp với thiên nhiên, môi trường. KTX nói cho cùng đó là một thái độ sống. Và thái độ sống này gần gũi với bản sắc văn hóa của người Việt nên KTX ở Việt Nam mới dễ dàng được chấp nhận và phát triển. Nhìn vào xu thế phát triển của KTX hôm nay, chúng ta có thể tin tưởng rằng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có nhiều đô thị xanh hiện đại mà giàu bản sắc.

ĐÔNG ANH