Đó là tín hiệu cho sự trưởng thành, khao khát chinh phục đề tài lớn của người viết trẻ.

Trong lần tổ chức gần đây nhất, Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài LLVT&CTCM của Bộ Quốc phòng (2014-2019) thu hút nhiều tác giả trẻ tham gia. Đây là giải thưởng có truyền thống, uy tín nhất trong hệ thống giải thưởng văn học về đề tài này. Đối diện với thách thức về đề tài, thể loại, các cây bút trẻ vẫn có hướng khai thác tạo nên dấu ấn. Với trường ca, thể loại đòi hỏi tích lũy về trải nghiệm, vững vàng trong bút pháp, các tác giả thế hệ 8X vẫn nhập cuộc sôi nổi. Có thể kể như: “Sóng trầm biển dựng” (Đoàn Văn Mật), “Bình nguyên đỏ” (Lý Hữu Lương), “Sa mộc” (Phạm Vân Anh), “Cột mốc trong người” (Nguyễn Quang Hưng)... Thể loại bút ký có số lượng tác giả tham dự đông đảo với những tác phẩm tươi mới: “Những giấc mơ biên thùy” (Ngô Tiến Mạnh), “Hành trình của dấu giày” (Hoàng Thị Trúc Ly), “Nơi đầu sóng” (Lữ Mai-Trần Thành). Thể loại lý luận-phê bình đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ phê bình trẻ: “Bên gốc đại nhà số 4” (Hoàng Đăng Khoa), “Ngọn sáng” (Nguyễn Thanh Tâm), “Chạm” (Xuân Hùng)...

        Các nhà văn trẻ quân đội trao đổi trong không gian trưng bày sách của Giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng (2014-2019).

Giải thưởng Văn học đề tài biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam cũng đánh dấu sự trưởng thành của các cây bút trẻ: Đoàn Văn Mật, giải Tôn vinh, trường ca “Sóng trầm biển dựng”; Nguyễn Quang Hưng, giải nhì, trường ca “Nước non mặt biển”; Lữ Mai, giải ba, trường ca “Ngang qua bình minh”. Những tác phẩm trên đều viết về đề tài người lính và biển, đảo Tổ quốc.

Điểm nổi bật trong tác phẩm của những người viết trẻ hiện nay là trên nền tảng đề tài lớn, họ đã nỗ lực đổi mới về nội dung, hình thức nhằm truyền tải tới độc giả những góc nhìn, tâm thế đương đại. Nhà thơ Lý Hữu Lương (sinh năm 1988)-một nhà thơ quân đội dân tộc Dao-đã tái hiện cuộc chiến đấu của những người lính tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Pathet Lào trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Nỗi day dứt khôn nguôi giữa người ra đi và người ở lại được tác giả tập trung khắc họa qua cảm xúc và thi ảnh lạ. Trường ca “Nước non mặt biển” của Nguyễn Quang Hưng lấy cảm hứng từ hình ảnh người chiến sĩ hải quân với lối viết kỹ lưỡng, giàu tính chiêm nghiệm, làm bật lên được vẻ đẹp ngàn đời của biển, đảo Tổ quốc và lịch sử hào hùng bi tráng của cha ông và thế hệ mai sau. Trường ca “Sóng trầm biển dựng” của Đoàn Văn Mật đã dựng nên vẻ đẹp đầy mạnh mẽ, khát vọng và hy sinh to lớn trong quá trình khai phá, bám đảo, giữ đảo. Cũng đề tài này, nhà thơ Lữ Mai lại xây dựng trong trường ca “Ngang qua bình minh” hình tượng người chiến sĩ hải quân xuất thân từ miền núi và trung du, dành cả thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chất huyền ảo, liêu trai được tác giả dụng công suốt quá trình khắc họa không gian, con người từ dọc dài miền núi trung du tới biển đảo.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Qua quá trình đọc, quan sát hành trình văn chương của họ, tôi thấy đó là những tác phẩm thực sự mới mẻ trong cách thể hiện nhưng bi tráng và rộng lớn về một đề tài mà dễ “gục ngã” nhất vì chính nội dung của nó. Các tác giả đã vượt qua cái “hố sâu” của một đề tài rất quen thuộc. Cách triển khai trường ca của tác giả bất ngờ, ngôn ngữ đẹp, ý tưởng sâu sắc và đủ sức gợi mở”. Trong những tác phẩm ấy, hình tượng người lính Quân đội nhân dân Việt Nam dù ở thế hệ nào cũng mang vẻ đẹp lý tưởng, tinh thần cống hiến cho Tổ quốc, nhân dân. Hình ảnh quê hương, bản sắc vùng miền, tinh thần đoàn kết quốc tế... cũng được các tác giả lưu ý đan xen, điểm xuyết để tạo nên mạch kết nối vững vàng, khỏe khoắn. Giải thưởng trao cho các tác giả trẻ thể hiện sự ghi nhận của Bộ Quốc phòng, Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan, đơn vị... đối với tâm huyết, đóng góp của thế hệ trẻ. Đây là yếu tố quan trọng nhằm động viên, khích lệ họ có thêm động lực, cảm hứng để tiếp tục chinh phục những đề tài mang tính thử thách.

Bài và ảnh: THANH KHÊ