Hội thảo có sự tham gia 180 đại biểu với 97 tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cả nước; đại diện cơ quan quản lý văn học, nghệ thuật; các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành…

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo hướng tới làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Từ thực tiễn của từng lĩnh vực văn học, nghệ thuật, từng địa phương, đánh giá thực trạng về vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ với 5 vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay: Phòng, chống đại dịch Covid-19; bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội thảo.

PGS, TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trình bày tham luận nhấn mạnh: Văn học nghệ thuật đã vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19, góp phần cổ vũ, động viên cả nước kiên cường trong công tác phòng, chống dịch. Qua đó, thêm lần nữa khẳng định văn học nghệ thuật luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa-tư tưởng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo cho rằng: Văn học nghệ thuật cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề biển, đảo Tổ quốc. Bên cạnh vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; cần làm sáng rõ hơn vấn đề phát triển kinh tế, làm giàu cho đất nước từ biển.

Trước hiện tượng một số tác phẩm văn học nghệ thuật thời gian qua xuất hiện nhiều tác phẩm thiếu lành mạnh, thậm chí xấu độc, PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Phải có một chiến lược đào tạo, bồi dưỡng những người quản lý, lãnh đạo văn hóa, văn học nghệ thuật thực sự có trình độ, nhạy bén mới hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời phải thể chế hóa, cơ chế hóa để thu hút nguồn lực xã hội hóa bởi ngân sách nhà nước không thể nào có đủ để phát triển văn học nghệ thuật lên tầm cao mới.

Kiến nghị thêm các giải pháp để văn học nghệ thuật – một bộ phận tinh túy nhất của văn hóa, trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng: Đội ngũ cán bộ đảng viên, các cán bộ, lãnh đạo phải là tấm gương văn hóa. Không nhất thiết phải quá am hiểu văn học nghệ thuật như những người có chuyên môn, song luôn khuyến khích, động viên, đồng hành với đội ngũ văn nghệ sĩ mới thì sức lan tỏa đến xã hội sẽ lớn hơn, tốt đẹp hơn.

Được biết, kết quả hội thảo dự kiến sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để đánh giá vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Hội đồng sẽ có báo cáo tư vấn cụ thể, giúp Đảng, Nhà nước đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG