Kỷ niệm những ngày làm hồ sơ nghệ thuật xòe Thái

Vào thời điểm cuối năm 2017, thực hiện hồ sơ xòe Thái là một trong những nhiệm vụ nặng nề đầu tiên của tôi trên cương vị Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Dù có kinh nghiệm khi làm thư ký một số hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể khác nhưng đây lại là lần đầu tiên tôi làm Chủ nhiệm dự án nên cũng có khá nhiều những điều mới mẻ và khó khăn khi phải đứng mũi, chịu sào. Tôi hiểu, để làm được một bộ hồ sơ tốt trình UNESCO là hết sức vất vả.

Để có một bộ hồ sơ trình UNESCO gồm các sản phẩm: Hồ sơ theo mẫu ICH-02, phim 10 phút, Album 10 ảnh, nhượng quyền và đăng ký phim, nhượng quyền và đăng ký ảnh, đồng thuận cộng đồng, bằng chứng di sản đã đưa vào danh mục kiểm kê (tiếng Việt, tiếng Anh), thì có rất nhiều hoạt động phải được thực hiện.

 Biểu diễn xòe Thái. Ảnh: TTXVN.

Mặc dù có sự trợ giúp rất tích cực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bốn tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La nhưng những công việc của nhóm thực hiện hồ sơ hết sức vất vả. Không chỉ những chuyến hành trình xa, với những làng bản nhiều khi ô tô cũng không vào được, thời tiết thất thường khiến cho nhiều lúc tôi phải rất đắn đo khi quyết định để anh em đi khi lũ quét đang sạt lở hay không, mà còn cả những thách thức về nội dung của hồ sơ.

Nếu ai am hiểu hồ sơ trình UNESCO đều biết, các tiêu chí trong mẫu hồ sơ khá chặt chẽ và chỉ cần không đạt 1 trong số 5 tiêu chí này thì hồ sơ coi như bị loại. Ở tiêu chí R1, nhận diện và xác định di sản, nghệ thuật xòe Thái được chúng ta xác định thuộc 3 mục là loại hình nghệ thuật trình diễn, các thực hành xã hội, nghi lễ và sự kiện lễ hội, và tri thức và thực hành liên quan đến tự nhiên và vũ trụ. Chúng ta còn phải mô tả ngắn gọn về xòe Thái để giới thiệu với người đọc chưa bao giờ thấy hay có trải nghiệm về xòe Thái.

Ngoài ra, phải trả lời những câu hỏi như: Người nắm giữ và thực hành di sản xòe Thái là ai? Có bất cứ vai trò cụ thể nào không, bao gồm vai trò liên quan đến giới tính hay nhóm người có trách nhiệm đặc biệt đối với sự thực hành và trao truyền di sản xòe Thái hay không? Nếu có, họ là ai và trách nhiệm của họ là gì? Hiện nay, tri thức và kỹ năng liên quan đến di sản xòe Thái được trao truyền như thế nào? Chức năng xã hội và ý nghĩa văn hóa của di sản xòe Thái đối với cộng đồng di sản ngày nay là gì? Có phần nào của di sản xòe Thái không tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người hay yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, nhóm người và cá nhân hoặc với sự phát triển bền vững không? Ở tiêu chí R2, đó là phải chứng minh xòe Thái có những đóng góp trong việc đảm bảo tầm nhìn, nhận thức và đối với việc khuyến khích đối thoại.

Tiêu chí R3, chúng ta phải chứng minh được các biện pháp bảo vệ đưa ra có khả năng bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, trong đó có nỗ lực bảo vệ di sản xòe Thái ở cả trước đây và hiện tại, cũng như phải xác định và miêu tả các biện pháp bảo vệ sẽ thực hiện, nhất là những biện pháp nhằm để bảo vệ và phát huy di sản.

Đó phải là những cam kết cụ thể của Việt Nam, với tư cách là Quốc gia thành viên và cộng đồng xòe Thái chứ  không chỉ như lời hứa chung chung; tiêu chí R4, chúng ta phải chứng minh được di sản xòe Thái có sự đồng thuận với hiểu biết đầy đủ và tham gia một cách tự nguyện, rộng rãi nhất của cộng đồng xòe Thái, trong đó chúng ta cần chứng minh rằng cộng đồng xòe Thái đã tham gia một cách tích cực vào việc chuẩn bị Hồ sơ đề cử ở tất cả các công đoạn, gồm cả về vai trò của giới.

Họ phải thể hiện sự tự nguyện, đồng thuận với hiểu biết đầy đủ về việc đề cử di sản thông qua văn bản viết, băng ghi âm hoặc bằng các phương tiện khác theo đúng luật, cũng như chứng minh sự ghi danh di sản xòe Thái và việc thực hiện các biện pháp bảo vệ hoàn toàn tôn trọng những tập tục liên quan đến xòe Thái, và phải mô tả các biện pháp cụ thể cần có để đảm bảo sự tôn trọng này; và tiêu chí cuối cùng R5, chúng ta phải minh chứng rằng di sản xòe Thái đã được nhận diện và đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể hiện có.

Bên cạnh những nội dung hóc búa đó, chúng ta còn phải tổ chức hội thảo quốc tế, đi khảo sát ở nước ngoài tại Trung Quốc và Thái Lan, xuất bản một số ấn phẩm để minh chứng cho giá trị của xòe Thái....

Sức sống mãnh liệt của di sản văn hóa trong dòng chảy văn hóa đất nước

Giữa công việc thực hiện hồ sơ bộn bề, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam may mắn có được những chuyên gia giỏi, làm tiền đề để chúng ta có câu ghi nhận của Ủy ban Liên chính phủ thực hiện Công ước 2003 rằng đây là hồ sơ thực hiện tốt, đó là PGS, TS Nguyễn Thị Hiền, lúc đó là Phó viện trưởng phụ trách di sản, rất có kinh nghiệm đối với các hồ sơ Việt Nam và cả các hồ sơ khác trên thế giới khi chị đang là thành viên của Ban tư vấn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, nguyên Viện trưởng, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, am hiểu sâu sắc về người Thái, âm nhạc và múa, Thạc sĩ Phạm Hùng Thoan, nguyên Phó Viện trưởng, chuyên gia về múa dân gian, cùng rất nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện đã tham gia nhiều hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, và nhiều chuyên gia giỏi khác trong lĩnh vực văn hóa dân gian, múa luôn sẵn sàng đồng hành cùng Viện.

Khi nghe tiếng búa của Chủ tịch điều hành phiên họp gõ xuống vào lúc 17 giờ 11 phút ngày 15-12-2021, tôi tin tất cả những người yêu xòe Thái đang chứng kiến giây phút ấy đều thực sự xúc động. Nếu không vì giãn cách, chắc chắn chúng tôi đã tụ họp cùng nhau, và cũng chắc chắn sẽ có nhiều giọt nước mắt.

Những tranh cãi nghệ thuật múa xòe Thái hay nghệ thuật xòe Thái mà không có chữ múa, trong hồ sơ Tiếng Anh dùng từ "Thai hay Tai"; sao phải dừng không nên tổ chức vòng xòe kỷ lục ở Mường Lò, Yên Bái, những lời cảm ơn, xin lỗi... như những kỷ niệm đẹp cứ ùa về.

Giờ đây, việc ghi danh nghệ thuật xòe Thái chứng minh sức sống mãnh liệt và vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này của không chỉ đồng bào người Thái mà còn của cả chung cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đất nước, tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Thái và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

PGS, TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội