Phóng viên (PV): Xin nhà thơ kể thêm về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Đêm sông Cầu”?

Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Tôi nhập ngũ năm 1972. Gia đình tôi có 5 anh em trai. Anh cả tôi là bộ đội tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, 4 người còn lại đều là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ. Anh trai thứ hai của tôi là Đỗ Trung Cẩn, hy sinh năm 1971 ở Tây Nguyên, anh trai thứ tư của tôi lúc ấy đang ở trong Trường Sơn.

leftcenterrightdel
 Nhà thơ Đỗ Trung Lai và vợ trong ngày cưới. 

Bài thơ “Đêm sông Cầu” được viết trước khi tôi về làm việc tại Báo Quân đội nhân dân. Bài thơ là nỗi lòng của tôi. Đó cũng chính là tình yêu của tôi nói riêng nhưng cũng là thân phận của tình yêu người lính nói chung trong thời ấy. Cô gái trong tác phẩm chính là vợ tôi sau này.

Ở thời đó, do điều kiện xa cách nên suốt 3 năm yêu nhau, chúng tôi chỉ được gặp có vài ba lần mà nếu tính thời gian, chắc cũng được chừng vài ba tiếng. Tổng cộng, quãng thời gian từ khi yêu nhau cho đến khi chúng tôi làm đám cưới là 6 năm. Năm 1980 thì tôi viết bài thơ này và được đăng trên trang nhất của Báo Văn nghệ. Bài thơ sau khi báo đăng, tôi khoe thì cô ấy mới biết.

Sở dĩ bài thơ có tên là “Đêm sông Cầu” là bởi một hôm vào buổi tối thứ 7, tôi cùng người yêu lên sông Cầu chơi. Chúng tôi ngồi trên đê nhìn xuống thì thấy ven sông có rất nhiều vó bè của người dân đang kéo cá dưới trăng. Lần dạo chơi trên đê sông Cầu dưới ánh trăng lấp lánh soi xuống mặt nước sông êm đềm đó đã luôn sống trong tôi. Ngoài ra, có một nguyên nhân khách quan nữa - bài thơ được hình thành qua lời “thách đố” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Lúc ấy, tuy tôi chưa phải là người lính trực tiếp chiến đấu ở nơi biên giới, nhưng tôi được chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của bộ đội ta và cũng chứng kiến nhiều lứa đôi xa cách vì chiến tranh… Chính “Đêm sông Cầu” nói trên và bối cảnh thời cuộc khi ấy cũng như “thân phận” tình yêu lúc đó đã cho tôi cảm xúc để viết bài thơ.

leftcenterrightdel
Người phụ nữ trong bài thơ "Đêm sông Cầu" cũng chính là vợ của nhà thơ Đỗ Trung Lai. 

PV: Nhà thơ có thể nói rõ hơn về lời “thách đố” năm xưa?

Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Trước đó, tôi đã bỏ ra 8 năm để viết một vở kịch thơ dài 5 màn. Khi hoàn thành, tôi cầm bản thảo về trụ sở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để xin đăng trên Tạp chí Sân khấu, lúc đó do nhà thơ Lưu Trọng Lư là Chủ nhiệm. Đọc xong tác phẩm của tôi, nhà thơ Lưu Trọng Lư rất thích và nói sẽ cho đăng toàn văn vở kịch ấy trên tạp chí và mời một đoàn nghệ thuật dựng thành tác phẩm sân khấu. Nghe thấy thế thì tôi rất vui mừng vì đó là thành công ngoài sức tưởng tượng của một người viết khi mới bước vào nghề.

Sau đó thì vở kịch thơ không đăng được vì một lý do khác ngoài nghệ thuật và tôi được giới thiệu để gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trong lần đến gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật ấy, ông “thách” tôi làm được thơ ngắn. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng, làm thơ ngắn cũng khó như làm thơ dài vậy. Một tuần sau, tôi “nộp” bài thơ “Đêm sông Cầu” cho nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đọc xong, anh ấy thích quá và cho đăng trên trang nhất báo Văn Nghệ. Chính nhạc sĩ Văn Cao vẽ minh họa cho bài thơ này. “Đêm sông Cầu” được ra đời như thế.

Như đã nói, bài thơ là tình yêu của tôi nói riêng nhưng cũng là “thân phận” tình yêu nói chung trong chiến tranh thời ấy. Có lẽ chính vì thế mà khi trở thành bài hát “Tình yêu bên dòng sông quan họ”, do nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ nhạc mới có một sức sống lâu bền.

PV: Hành trình từ thơ đến nhạc của tác phẩm này diễn ra như thế nào, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Tết năm 1982, khi cả nhà tôi, trong đó có vợ chưa cưới của tôi (chính là “Cô gái sông Cầu” trong thơ) đang quây quần bên nồi bánh chưng thì Đài tiếng nói Việt Nam phát chương trình âm nhạc đêm giao thừa. Mở đầu, chúng tôi được nghe ca sĩ Lê Dung (lúc ấy chưa được phong NSND) hát bài “Từ phương anh, từ phương em”, nhạc Văn Thành Nho mà lời chính là bài thơ “Đêm sông Câu” của tôi. Tôi và vợ chưa cưới bất ngờ có được món quà Tết thật đẹp trước khi cưới! Mồng hai Tết năm ấy, đám cưới của chúng tôi được cử hành tại nhà. Bài hát của nhạc sĩ Văn Thành Nho có tính hàn lâm, giàu chất ca trù nên tuy hay nhưng công chúng cũng khó hát.

Gia đình tôi có truyền thống đun bánh chưng vào đêm giao thừa. Tết năm 1983, cũng vào đêm giao thừa, trong khung cảnh đầm ấm quanh nồi bánh chưng, tôi mở đài ra nghe thì ca khúc này lại được phát. Như vậy bài hát phổ thơ của tôi đã được phát sóng liên tục vào 2 đêm giao thừa. Sau này, tôi kể chuyện trùng hợp thú vị ấy với NSND Lê Dung, chị ấy cảm thấy rất vui và nhận làm mẹ đỡ đầu của con gái đầu của chúng tôi.

Bài thơ “Đêm sông Cầu” do nhạc sĩ Phan Lạc Hoa phổ nhạc lại có số phận khác. Năm 1982, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã tình cờ đọc được bài thơ “Đêm sông Cầu” trên một tờ báo. Ông cảm thấy rất ấn tượng và quyết định phổ nhạc bài thơ này. Ông đặt tên bài hát của mình là “Tình yêu bên dòng sông quan họ”. Ca sĩ Thanh Hoa (sau này là NSND Thanh Hoa) đã hát và thu đĩa bài này. NSND Thanh Hoa đã từng mang bài hát này đi biểu diễn tại Liên hoan Nhạc nhẹ quốc tế ở La habana, Cuba.

Ngoài ra, tác phẩm “Đêm sông Cầu” còn được các nhạc sĩ Trần Thanh Tùng, Đoàn Bổng...phổ nhạc nhưng không bài nào được phổ cập rộng rãi như bài hát “Tình yêu bên dòng sông quan họ” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa.

PV: Theo nhà thơ, tại sao bài hát “Tình yêu bên dòng sông quan họ” lại được nhiều người yêu thích và biết đến hơn những bản phổ nhạc khác?

Nhà thơ Đỗ Trung Lai: Theo tôi, sở dĩ bài hát này thu hút được công chúng trước hết là vì lời ca và giai điệu dễ nghe, dễ thuộc, dễ hát, rất gần gũi với cuộc sống. Ca khúc được xếp vào thể loại tình ca nhưng mang đầy dấu ấn thời cuộc.

PV: Trân trọng cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)