Theo Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, trong không gian văn hóa, bản sắc văn hóa là yếu tố định hình chiều sâu, đặc trưng, sức thu hút. TP Hồ Chí Minh trước khi trở thành đô thị lớn nhất nước từng là vùng đất của cư dân nông nghiệp, với hệ sinh thái tín ngưỡng dân gian, nghi lễ đình làng, phong tục Tết cổ truyền, lối ứng xử cộng đồng...

Quá trình đô thị hóa và những biến động lịch sử khiến thành phố khoác lên mình diện mạo hiện đại, nhưng những yếu tố truyền thống ấy không mất đi, chuyển hóa, thẩm thấu trong dòng chảy văn hóa đương đại, đa sắc, tiên tiến. Nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế, mở rộng không gian mà không đầu tư cho văn hóa, thành phố dễ đánh mất bản sắc nội tại và sẽ trở nên “đồng hóa” trong dòng chảy toàn cầu hóa. Ngược lại, nếu biết cách phát huy chiều sâu lớp văn hóa gốc của mỗi địa phương bằng nhiều phương pháp mới, sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. 

 Hình ảnh cây tre thân thuộc được sử dụng làm đạo cụ biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật "À ố show". Ảnh: NGUYỄN THẾ DƯƠNG

Trước những thách thức, đòi hỏi từ thực tiễn, việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng bản sắc đang được xem là chiến lược quan trọng để TP Hồ Chí Minh định hình bước đi hài hòa sau sáp nhập. Theo định hướng của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, đến hết năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa sẽ tăng trưởng bình quân 14%/năm, đóng góp 5,7% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); đến năm 2030, dự kiến đạt 7-8% GRDP. 

Điểm cốt lõi trong định hướng trên là đặt bản sắc làm trung tâm cho sáng tạo. Không phải phát triển văn hóa bằng cách tái lập rập khuôn cái cũ mà là “làm mới truyền thống” bằng ngôn ngữ sáng tạo của thời đại. Bản sắc văn hóa của thành phố phải là điểm tựa để vừa bảo tồn, vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các sản phẩm, dịch vụ và mô hình mới. Các mô hình kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã lan tỏa tinh thần đổi mới đang hình thành trong những năm gần đây ở TP Hồ Chí Minh.

Có thể kể đến dự án điện ảnh “Kính vạn hoa” tái hiện tuổi thơ qua lăng kính hiện đại; chương trình nhạc dân tộc “Chào show” làm mới âm nhạc truyền thống bằng phối khí đương đại... Một ví dụ điển hình là “À ố show”, chương trình nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh tre truyền thống, âm thanh đời sống và nhạc cụ dân tộc đã chạm đến hơn 50 thành phố trên thế giới, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra cộng đồng quốc tế không bằng khẩu hiệu, mà bằng chiều sâu văn hóa. Đạo diễn Tuấn Lê, người sáng tạo chương trình cho rằng, thế hệ trẻ cần bồi đắp, phát huy văn hóa truyền thống trở nên sống động bằng cách kể chuyện mới mẻ, hội tụ và tiếp ứng của công nghiệp văn hóa. Chương trình InnoCulture 2025 do Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP Hồ Chí Minh triển khai đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho chiến lược phát triển văn hóa dựa trên đổi mới sáng tạo, thông qua chuỗi hội thảo, các gói tài trợ và hệ sinh thái ươm tạo hơn 130 mô hình.

Văn hóa là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa, vai trò lớn thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và hội nhập. Các nhà quản lý, giới nghệ sĩ, các nhà văn hóa ở TP Hồ Chí Minh đang từng bước hình thành một hệ sinh thái văn hóa đô thị mở, nơi bản sắc truyền thống không chỉ được gìn giữ mà còn được tái tạo, làm mới, lan tỏa. Đây là con đường tất yếu để TP Hồ Chí Minh trong diện mạo siêu đô thị phát triển hài hòa giữa quy mô kinh tế, không gian địa lý và chiều sâu văn hóa đậm đà bản sắc. 

THANH KIỀU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.