 |
Họa sĩ Hồ Hưng (ngoài cùng, bên trái) được vinh danh trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Sinh năm 1980 tại một miền quê xứ Nghệ, Hồ Hưng lớn lên giữa khung cảnh văn hóa nông thôn truyền thống. Những gam màu đỏ gạch, vàng nắng, nâu đất từ mái đình, ruộng đồng... đã sớm hình thành cảm quan thị giác mộc mạc mà sâu sắc trong anh. Sau khi tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, anh từng làm đồ họa 2D tại Nhật Bản và Thái Lan. Tuy nhiên, chính những trải nghiệm xa xứ đã giúp anh nhận ra điều mình thực sự mong muốn là tự do sáng tạo bằng ngôn ngữ hội họa.
Năm 2011, Hồ Hưng tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và quyết định rời bỏ công việc ổn định để theo đuổi nghệ thuật độc lập. Mang tâm thế của người đi tìm bản ngã, từ năm 2012, anh bắt đầu cuộc hành trình trong suốt một năm đến hơn 10 quốc gia châu Âu. Trong những khoảnh khắc cô đơn giữa các thành phố xa lạ, anh khao khát được nhìn thấy một họa tiết, một sắc màu thân quen gợi nhắc quê nhà. Những trải nghiệm ấy đã thôi thúc anh sáng tạo loạt tranh màu nước mang tinh thần giao hòa giữa đời sống thực tại và chiều sâu văn hóa Á Đông.
Dù không phải là chất liệu mới trong mỹ thuật, tranh màu nước tại Việt Nam cách đây hơn một thập niên vẫn còn mờ nhạt, chưa được chú trọng như các chất liệu khác. Từ năm 2014, Hồ Hưng toàn tâm toàn ý sống với tranh màu nước và kiên trì phát triển dòng tranh này. Khác với xu hướng nặng ý tưởng, nhẹ thẩm mỹ, Hồ Hưng cho rằng hội họa trước hết phải bắt nguồn từ cảm xúc là câu chuyện của tâm hồn. Tranh của anh không chỉ để ngắm mà để chiêm nghiệm. Anh không bắt đầu một tác phẩm bằng kỹ thuật, mà từ câu hỏi: “Mình muốn truyền tải điều gì?”. Từ góc nhìn ấy, các tác phẩm, như: "Ly Hương", "Nằm nghe biển hát", "Người hùng không súng", "Cam", "Đi qua cuộc chiến" hay loạt tranh về mùa thu, hoa cúc, chiến tranh... đều bắt nguồn từ những câu chuyện cụ thể, khơi gợi trắc ẩn xã hội và tôn vinh giá trị ký ức-lịch sử-con người.
Song song với sáng tác, Hồ Hưng còn kiến tạo một không gian nghệ thuật cộng đồng hiếm hoi do nghệ sĩ cá nhân vận hành. Nơi đây thường xuyên tổ chức triển lãm, lớp học..., trở thành điểm gặp gỡ giữa nghệ thuật và công chúng, không gian này cũng từng là trụ sở của Hiệp hội Màu nước quốc tế-chi nhánh tại Việt Nam (IWS Vietnam). Năm 2015, lần đầu tiên anh đưa triển lãm màu nước quốc tế về Hà Nội (Galerie Hàng Da), thu hút đông đảo khán giả và nghệ sĩ. Năm 2017, triển lãm mở rộng quy mô tại Bảo tàng Hà Nội với sự tham gia của hơn 100 họa sĩ tên tuổi hàng đầu ngành màu nước quốc tế.
Năm 2019, họa sĩ Hồ Hưng tạo dấu ấn khi phối hợp cùng Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và IWS Vietnam tổ chức Triển lãm tranh màu nước quốc tế lần thứ 3 lần đầu tiên tại Thành phố mang tên Bác. Năm 2021, Hồ Hưng góp phần thúc đẩy việc ra đời giải thưởng chuyên biệt cho tranh màu nước trong hệ thống giải thưởng quốc gia do Hội Mỹ thuật Việt Nam bảo trợ. Họa sĩ Hồ Hưng chủ động kết nối với các thương hiệu quốc tế để đưa vật liệu đạt chuẩn vẽ tranh màu nước về Việt Nam, thực hiện video, chia sẻ kỹ thuật và kiến thức chuyên môn với mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ trẻ.
Nhờ sự bền bỉ ấy, tranh màu nước ngày nay đã dần khẳng định vị thế như một dòng chảy nghệ thuật độc lập, mang dấu ấn, bản sắc riêng trong đời sống mỹ thuật Việt. Hành trình đó đang được họa sĩ Hồ Hưng tiếp bước với nỗ lực, khát vọng bền bỉ đối với nghệ thuật hội họa, đặc biệt là đưa mỹ thuật trở thành những bản sắc truyền thống và hiện đại ở thành phố năng động nhất cả nước.
Bài và ảnh: KIỀU OANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.