Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam chia sẻ: “Cuộc thi là minh chứng cho mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và Singapore, đặc biệt trên lĩnh vực giao lưu văn hóa. Giải thưởng không chỉ tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, mà còn khẳng định các giá trị chung của 2 quốc gia như: Sự đồng cảm, tinh thần hòa nhập và khát vọng đổi mới”.
 |
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam phát biểu tại sự kiện.
|
Được khởi động từ tháng 10-2024, cuộc thi vẽ tranh “Thế giới quanh tôi” mang đến một sân chơi nghệ thuật giàu ý nghĩa dành cho người khuyết tật tại Việt Nam trong độ tuổi từ 12 đến 35. Không chỉ khuyến khích niềm yêu thích hội họa và phát triển tư duy sáng tạo, cuộc thi còn tạo cơ hội để các tác phẩm của người khuyết tật lan tỏa tới cộng đồng.
 |
Cuộc thi hướng đến hai nhóm đối tượng: Các nghệ sĩ trẻ Việt Nam (từ 18 đến 30 tuổi, đã hoặc đang theo học chuyên ngành mỹ thuật ở Hà Nội) và người khuyết tật (công dân Việt Nam, từ 12 đến 35 tuổi).
|
Chủ đề tác phẩm tập trung vào những vấn đề thiết thực và mang tính toàn cầu như: Thiên nhiên, môi trường, xã hội, các thách thức thời đại hay xây dựng cộng đồng. Qua đó, các tác phẩm không chỉ phản ánh góc nhìn riêng của mỗi thí sinh mà còn truyền tải thông điệp tích cực, góp phần thay đổi nhận thức và khơi gợi suy ngẫm về thế giới quanh ta.
Sau 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được nhiều tác phẩm để lại ấn tượng mạnh bởi sự sáng tạo, chiều sâu tư tưởng và thông điệp nhân văn. Đặc biệt, nhiều thí sinh là người khuyết tật đã thể hiện ý chí mạnh mẽ và tinh thần vượt lên hoàn cảnh để chạm đến ước mơ nghệ thuật.
 |
Họa sĩ khuyết tật (khiếm thính câm) Lại Thanh Quang (thứ 2 từ phải sang) nhận giải Nhất cuộc thi.
|
Bà Wee Wei Ling, Giám đốc Hợp tác Bền vững, Lối sống và Tài sản của Tập đoàn Khách sạn Pan Pacific xúc động: “Tôi thực sự được truyền cảm hứng bởi các họa sĩ khuyết tật tham gia cuộc thi năm nay. Mỗi bức tranh của các bạn không chỉ là sản phẩm của tài năng, mà còn là một câu chuyện về sự kiên cường vượt qua khó khăn. Trong đó, ấn tượng nhất với tôi là em Huỳnh Thị Thảnh, cô gái vẽ tranh bằng chân. Thảnh khiến tôi nhận ra rằng nghệ thuật không có giới hạn, và sức mạnh tinh thần của con người có thể biến điều không thể thành có thể”.
 |
Huỳnh Thị Thảnh là cô gái vẽ tranh bằng chân, vượt qua khiếm khuyết để theo đuổi đam mê hội họa.
|
Kết quả chung cuộc, giải Nhất được trao cho tác phẩm “Nắng chiều Tam Cốc” của họa sĩ trẻ khuyết tật Lại Thanh Quang; giải Nhì thuộc về Dương Linh Đan với tác phẩm “Qua ô cửa” và giải Ba được trao cho Bùi Thị Thơm với tác phẩm “Ngôi trường của thiên nhiên”.
 |
Không để khiếm khuyết cơ thể cản bước, Bùi Thị Thơm xuất sắc giành giải Ba tại cuộc thi.
|
Anh Hoàng Trung Dũng (thầy giáo của hoạ sĩ khiếm thính câm Lại Thanh Quang) cho biết: “Tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ và xúc động khi Quang giành được giải Nhất. Giải thưởng này không chỉ là phần thưởng cho nỗ lực của em mà còn là động lực để em tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật. Hơn nữa, tôi hy vọng rằng giải thưởng này sẽ truyền cảm hứng cho những người khuyết tật khác, để họ cũng dám ước mơ và theo đuổi đam mê của mình”.
Tin, ảnh: HẢI LY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.