Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ.

Tọa đàm là dịp để các đại biểu chia sẻ suy nghĩ về chủ đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” được đăng trên Tạp chí Cộng sản số 11/1973 với bút danh Người Xây Dựng. Đây là một trong các bài viết được trích từ cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành gần đây.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: KỲ HOA

Theo đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, tọa đàm là cơ hội để cùng thảo luận về những biểu hiện, nguy cơ, tác hại, nguồn gốc... của căn bệnh sợ trách nhiệm có đang diễn ra ở người trẻ hay không? Từ đó, cùng phân tích, đưa ra các giải pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đặc biệt là đối với người trẻ có tinh thần “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Tham luận của các đại biểu tại tọa đàm đã nhận định, từng bài viết trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Đây là cẩm nang về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, góp phần tạo điều kiện cho cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng cống hiến xây dựng đất nước. Chính tinh thần luôn nêu cao trách nhiệm sẽ dẫn dắt người trẻ tùy từng vị trí công việc, lao động, học tập, dám dấn thân vào việc mới, việc khó.

Chia sẻ những cách làm hay của tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Minh Tước Nguyên, Phó bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2012, Thành đoàn Thành phố đã triển khai phong trào “3 trách nhiệm” trên tinh thần, nội dung chính gồm: Trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với công việc và trách nhiệm với bản thân. Trong thực tế triển khai, bên cạnh nhiều cán bộ, công viên chức trẻ tận tụy, trách nhiệm thì vẫn còn một số cá nhân có những biểu hiện chưa tích cực. Tuy nhiên, phong trào đã tạo được động lực thúc đẩy đoàn viên, hội viên, thanh niên thành phố không ngừng vượt khó vươn lên, xung kích sáng tạo trong nhiều lĩnh vực mới, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của thành phố. Đặc biệt, phong trào này đã được Trung ương Đoàn nhân rộng trên toàn quốc với ba nội dung: Trách nhiệm với nhân dân, công việc và cộng đồng.

leftcenterrightdel
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: KỲ HOA 

Ở góc độ là người đứng đầu một đơn vị y tế, đồng chí Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh cho rằng, tinh thần trách nhiệm là đi từ kiến thức đến thái độ và hành vi. Nhiều người trẻ hiện nay có tinh thần trách nhiệm rất cao. Để trách nhiệm bảo đảm thường xuyên, liên tục, người trẻ cần có lãnh đạo trách nhiệm, tập thể trách nhiệm và một tổ chức có trách nhiệm.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu thanh niên đã chia sẻ góc nhìn về vai trò, câu chuyện trách nhiệm của người trẻ trong học tập, công tác, sinh hoạt trên các lĩnh vực cũng như đối diện với các vấn đề, nhiệm vụ được giao. Các ý kiến đều nhấn mạnh rằng, người trẻ luôn sẵn sàng nêu cao trách nhiệm với tinh thần “6 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Tuy nhiên, tùy từng vị trí công tác, đặc thù nghề nghiệp, địa phương, người trẻ sẽ nỗ lực cống hiến phù hợp, có thể chuyển “dám làm” thành “biết làm” để bảo đảm hiệu quả, chú trọng nắm bắt xu thế mới, yêu cầu phát triển mới hiện nay.

THƯ LÊ