Sự đủ đầy triệt tiêu động lực

Trò chuyện về nhân sự - yếu tố sống còn của một doanh nghiệp, cậu em than thở: Tuyển nhân sự bây giờ khó quá! Nhiều người trẻ - nhất là ở thành phố - dường như thiếu tính kiên trì, không chịu được gian khổ. Họ được gia đình bao bọc từ nhỏ tới lớn, tốt nghiệp chưa đi làm bố mẹ đã gom góp lo cho căn chung cư hoặc mảnh đất, mua xe xịn, điện thoại smartphone đời mới nhất. Ra trường đi làm, đến công ty thì mải lướt facebook sống ảo, đăng toàn ảnh ăn mặc sành điệu, check-in những nơi sang chảnh. Giao việc thì có nhắc sát sạt mới làm, nhiều khi làm lấy lệ cho xong. Vừa chân ướt chân ráo vào công ty đã đòi hỏi đãi ngộ, việc chưa hoàn thành không thấy áy náy, nếu phải làm ngoài giờ là lên tiếng đòi cắt giảm giờ làm, đòi tăng lương, đòi “bảo vệ nhân quyền”... Hình như họ quên điều cơ bản nhất: Muốn có quyền lợi, trước hết phải có đóng góp, bằng chính sự tận tâm, trách nhiệm với công việc... 

Nhà giàn DK1 trên quần đảo Trường Sa. 

Mặt trái của sự đủ đầy và bao bọc - ở góc độ nào đó - là nó khiến người trẻ bị triệt tiêu động lực và ý chí tiến thủ. Họ chẳng thiếu thứ gì, cũng không có động cơ để phấn đấu. Thích thì làm, không thích lập tức “nhảy việc”. Nhiều người trẻ tốt nghiệp đại học, nộp đơn vài nơi với tâm lý “làm thử cho biết”, rồi nhanh chóng bỏ việc.

Trong cơn sốt đất, đã có nhiều bạn trẻ chuyển sang nghề môi giới bất động sản, với ý nghĩ nhanh chóng làm giàu, kiếm tiền tỷ trong mỗi phi vụ. Hoặc, đơn giản hơn, khoác chiếc áo Grab, ngày chạy vài cuốc xe, ship mấy chuyến hàng là dễ dàng kiếm được vài ba trăm, “tiền tươi thóc thật”, lại chẳng mệt óc, giờ giấc tự do. Nhưng, cái thiếu vắng ở họ, chính là khát vọng cuộc sống. Họ loay hoay không xác định được phương hướng, mục tiêu của cuộc đời, cũng như phải làm gì để biến mục tiêu, khát vọng đó thành hiện thực.

Vẫn còn đó những ước mơ

Khoan vội bi quan, đó chỉ là một góc khác của cuộc sống. Tôi từng biết nhiều người trẻ, thế hệ 9x, 2K, giỏi giang năng động, biết tận dụng lợi thế của công nghệ, của nền tảng gia đình làm sức bật, vươn lên bứt phá, dám nghĩ dám làm, tự thân khởi nghiệp, trở thành những công dân toàn cầu trong một thế giới phẳng.

Những chiến sĩ hải quân trên đảo Sơn Ca. 

Và trong hành trình thăm quần đảo Trường Sa, tôi cũng nhìn thấy những khát vọng tuổi trẻ được ươm mầm từ nắng gió và biển xanh. Họ là những con người dám ước mơ, dám hành động. Bước khởi đầu có thể còn nhiều khó khăn, song chắc chắn họ đã xác định rõ con đường đi cho cuộc đời...  

Nơi biển xanh ươm mầm khát vọng

Chiếc xuồng đưa các đại biểu trong đoàn công tác số 2 Tổng cục Chính trị phải vượt qua một thềm san hô trải rộng bao quanh mới vào được đảo Núi Le A. Nước biển ở đây xanh màu ngọc bích, trong vắt, nhìn rõ đáy. San hô mấp mé chạm đáy xuồng, người lái xuồng cũng phải thao tác rất khéo léo và cẩn trọng để xuồng không mắc cạn. Và tất nhiên, không thể thiếu sự trợ giúp từ chiến sĩ hoa tiêu trên đảo.

Chiến sĩ Trần Lê Nguyên Lảm - hoa tiêu trên đảo Núi Le A. 

Trần Lê Nguyên Lảm là chiến sĩ hoa tiêu trên đảo Núi Le A. Lảm quê Bình Định, mà theo tiếng địa phương thì Lãm hay Lảm đều phát âm giống nhau. Tròn 20 tuổi, vừa xong năm nhất đại học, biết có đợt tuyển quân, Lảm xin bảo lưu, xung phong nhập ngũ rồi ra đảo từ tháng 1. Lý do, với chàng trai đất võ này, thật đơn giản: Để thực hiện nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc, cũng là để trải nghiệm và được rèn luyện bản lĩnh trong môi trường kỷ luật của quân đội.

Gương mặt sáng, miệng nhoẻn cười hiền lành, nước da bắt nắng sạm màu, Lảm bảo cuộc sống của người lính khác nhiều so với môi trường dân sự bên ngoài. Xa gia đình, bạn bè, không có những tiện ích của giới trẻ như smartphone, mạng xã hội... song đã xác định rõ tâm thế sẵn sàng nên Lảm thích nghi và hòa nhập rất nhanh với môi trường quân đội. Với người lính trẻ ấy, những trải nghiệm có được trong cuộc đời quân ngũ sẽ giúp anh tự tin tiếp tục con đường tri thức sau này, trên chặng đường biến ước mơ thành hiện thực.

Xem giao lưu văn nghệ trên đảo Sơn Ca. 

Trên đảo Sơn Ca, tôi gặp Đại úy QNCN Vũ Công Đạt. Đạt sinh năm 1994, quê Ninh Bình, là kỹ thuật viên gây mê thuộc kíp quân y của Bệnh viện Quân y 103 được cử ra đảo Sơn Ca từ đầu năm nay. Đây là chuyến công tác đầu tiên của anh ở quần đảo Trường Sa. Khi anh đi, vợ anh đang ở tháng cuối của thai kỳ. Giờ cô con gái đã được 4 tháng tuổi, anh vẫn chưa biết mặt. Xa gia đình, hiểu được nỗi vất vả của vợ khi một mình chăm con nhỏ, nhưng Đạt cũng hiểu cán bộ chiến sĩ, bà con ngư dân nơi đây cần các anh. Kíp quân y của Đạt có 7 người, độ tuổi trung bình ngoài 30 - cái tuổi cũng đã đạt được độ chín nhất định trong nghề, và sức trẻ đang rần rật trong huyết quản. Là người lính, bất cứ nơi đâu nhân dân cần, Tổ quốc cần, các anh cũng sẵn sàng lên đường, gác lại hết những lo toan thường nhật...   

Thuyền trưởng tàu Kiểm ngư KN-290 Quách Hữu Quang là chàng trai có cái vẻ rắn rỏi, phong trần, nụ cười rạng rỡ hút ánh nhìn người đối diện. Ngoài 30 tuổi nhưng Quang đã thuộc lớp “đàn anh” cả về tuổi đời và tuổi nghề. Trước khi gắn bó với tàu kiểm ngư từ năm 2014, Quang đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề hàng hải. Đa số anh em cán bộ nhân viên tàu KN-290 còn khá trẻ, song đều có thâm niên trong nghề biển. Nhìn cách họ phối hợp nhịp nhàng trong công việc, trong sinh hoạt, mới thấy đây là một khối đoàn kết vững chãi, như những bánh răng trong một guồng máy.

Thuyền trưởng tàu KN-290 Quách Hữu Quang (ngoài cùng bên phải) cùng đại biểu đoàn công tác số 2 Tổng cục Chính trị. 

22 giờ đêm, khi mọi người đã về phòng nghỉ, anh em thủy thủ mới ngớt việc. Họ ào vào khu nhà tắm, vừa dội nước ào ào, vừa râm ran trò chuyện, rồi một dàn đồng ca cất lên khuấy động bầu không gian, át cả tiếng máy tàu, át cả tiếng sóng gầm gừ. Những chàng trai ngoài đôi mươi tràn trề nhựa sống, yêu đời, đầy nhiệt huyết, dường như họ chẳng còn nhớ đến bao vất vả của những lúc làm việc cật lực, lúc căng mình đối mặt cơn sóng dữ, bảo đảm mọi hoạt động của con tàu và các chuyến xuồng ra vào đảo an toàn tuyệt đối. Biển đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc sống của họ, và họ vẫn nỗ lực không ngưng nghỉ, để giữ cho những chuyến tàu bình yên trở về.    

Đưa đại biểu từ tàu lên đảo. 

Trưa từ đảo Thuyền Chài về, gió bắt đầu mạnh lên. Đó là lúc anh em tổ xuồng của tàu KN-290 phải căng mắt dõi nhịp sóng, khéo léo lựa lúc tăng ga, lúc tắt máy cho chiếc xuồng nương theo sóng, lướt trên đầu con sóng. Bất chợt một con sóng lừng ập tới, đập tan kính buồng lái, xuồng lắc mình chao đảo. Không chút nao núng, tổ lái rất nhanh đã lấy lại được thăng bằng cho chiếc xuồng thoát khỏi cơn sóng dữ, đưa các đại biểu về tàu an toàn. Trong những giây phút gian nan, bản lĩnh của những chàng thủy thủ quả cảm thêm tỏa sáng.

 Phút giải lao hiếm hoi của thủy thủ tàu KN-290.

Giữa bốn bề biển cả, không internet, không smartphone, không facebook-zalo..., chỉ mênh mang sóng biển, nắng rát và gió mặn, tưởng chừng những người trẻ ấy bị cô lập với dòng chảy cuộc sống nơi đất liền. Song, chính họ, bằng những khát vọng tuổi trẻ, đã tự kiến tạo nên những bức tranh cuộc sống rực rỡ sắc màu. Sắc màu ấy, vừa dữ dội, quyết liệt, nhưng cũng đầy lãng mạn, dịu dàng...

Phút ngẫu hứng trên đảo Phan Vinh B. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO