Có mặt trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa năm 2022 của đoàn công tác số 2 Tổng cục Chính trị, chúng tôi đã phần nào chứng kiến sự vất vả của những nhân viên bếp ăn trên tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-290.
Bếp trưởng tàu KN-290 có cái tên khá lạ: Trần Lệ Hùng. Anh người thấp đậm, đầu cạo trọc, khoác bộ đồng phục, đôi chân trần không giày dép, hình như là để bước cho nhanh, thao tác cho khỏi vướng víu. Chẳng lúc nào thấy anh ngơi việc.
Đôi tay thoăn thoắt băm thịt, thái hành, đảo bếp, nêm nếm thức ăn. Vừa ngưng chế biến, mắt quan sát nhân viên, tay anh lại cầm chiếc khăn mải miết lau chùi bàn bếp sạch bong. Có lẽ thói quen gọn gàng, sạch sẽ của bếp trưởng đã tạo thành nếp cho đội nhân viên phục vụ. Từ nồi xoong, dụng cụ chế biến, sàn bếp tới bàn ăn, bát đĩa..., tất cả đều ngăn nắp, sáng bóng.
Trong cả chuyến đi, dù bếp trưởng bận bịu tới đâu tôi cũng chưa lúc nào bắt gặp nét cau có trên gương mặt anh. Trên đôi má có cái lúm đồng tiền rất duyên, thi thoảng lại nở ra một nụ cười rạng rỡ. Trần Lệ Hùng đã có 26 năm phục vụ bếp ăn trên các chuyến tàu biển. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, để đảm bảo công tác phục vụ trên tàu và an toàn phòng, chống dịch, anh và các nhân viên tổ bếp phải thực hiện cách ly hoàn toàn ở đơn vị, hơn một năm nay chưa được về nhà.
 |
Thành viên đoàn công tác tham gia hỗ trợ việc bếp núc cùng anh em tổ bếp tàu KN-290. |
Tổ phục vụ bếp ăn trên tàu KN-290 có chừng 20 người, đa số còn rất trẻ, song thâm niên làm việc trên tàu ít cũng ngoài chục năm. Mỗi chuyến đi biển thường kéo dài từ nửa tháng đến vài tháng, với Bếp trưởng Hùng, chuyến đi lâu ngày nhất trên biển của anh kéo dài 15 tháng. Nghề nấu ăn, nom tưởng nhẹ nhàng, nhưng thực tế lại đòi hỏi phải có sức khỏe, sự kiên nhẫn, bền bỉ, đầu óc sắp xếp linh hoạt, bao quát, và dĩ nhiên phải chịu được sóng gió.
Những ngày biển động, công việc của các anh vất vả hơn, bởi vẫn phải thao tác chế biến, nấu nướng trong trạng thái “đi nghiêng”, vừa nấu vừa phải giữ nồi xoong khỏi bị hất văng xuống sàn. Dù là mùa biển lặng hay trong mùa biển động, vẫn phải có tàu ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm điểm tựa cho ngư dân, nên các anh gắn bó với biển quanh năm ngày tháng.
Bếp nấu trên tàu giờ đã được cải thiện nhiều, chủ yếu dùng bếp điện. Tàu được trang bị máy lọc nước mặn thành nước ngọt, có thể sử dụng cho việc ăn uống, nên cũng đỡ đi nhiều khoản phải lo. Với mỗi chuyến đi dài ngày trên biển, trong điều kiện khí hậu nắng nóng, gió biển tạt hơi mặn, khâu bảo quản thực phẩm trên tàu được hết sức chú trọng. Thực phẩm được bảo quản đúng cách sẽ kéo dài được độ tươi ngon, nhất là đối với rau củ quả và thực phẩm tươi sống.
 |
Bát đũa sắp xếp gọn gàng, thức ăn luôn được bao bọc cẩn thận. |
Chị Khánh Phương, thành viên đoàn công tác vừa hào hứng nhặt rau vừa kể những bữa cơm trên tàu đều rất ngon miệng. Với phụ nữ, nấu sao cho hợp khẩu vị cả trăm con người đã là điều không dễ dàng, mà trên tàu KN-290, toàn bộ tổ bếp đều là nam giới.
Tham gia những chuyến đi như thế này mới hiểu sự vất vả của anh em tổ bếp. Một ngày của họ bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 23 giờ, với đủ khâu chế biến, nấu nướng, phục vụ, dọn dẹp... Mấy hôm biển động, nhiều đại biểu trong đoàn bị say sóng mệt lử, bỏ bữa.
Thấy phòng ăn vắng vẻ, anh em tổ bếp lần xuống hỏi thăm, rồi phân công nhau bê đồ ăn đến tận nơi phục vụ cho những người say sóng. Những món ăn tinh tươm, ngon miệng đã giúp các thành viên đoàn công tác nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Một hình ảnh khiến tôi ấn tượng là trong buổi liên hoan kết thúc hải trình, khi mọi người quần áo giày guốc chỉnh tề, Bếp trưởng Trần Lệ Hùng - vẫn trong bộ đồng phục xắn gấu quen thuộc, vẫn đôi chân trần không giày dép - vội vã lướt từng bàn chào hỏi mọi người.
Anh bảo, đi chung chừng ấy ngày thôi, nhưng xa rồi anh sẽ nhớ từng người. Nhìn anh, tự dưng tôi liên tưởng đến hình ảnh những người lính “chân trần, chí thép”, khó khăn có xá gì, khi họ luôn sẵn sàng đối mặt và vượt qua gian nan, thử thách.
 |
Trong một hành trình dài ngày trên biển, rau xanh vô cùng quý giá. |
Những con người quanh năm gắn bó với biển, hình như cũng “nhiễm” luôn cả cái nét phóng khoáng, hào sảng của biển. Ở người bếp trưởng ấy còn tràn trề năng lượng sống và tư duy tích cực. Và điều quan trọng hơn, là anh đã làm lan tỏa năng lượng tích cực ấy sang những người xung quanh. Để rồi khi chuyến hải trình đã khép lại, hình ảnh, dư âm về những con người chất phác, về những nụ cười nồng hậu ấy vẫn đọng mãi trong tâm trí những người đã ít nhất một lần đến với Trường Sa.
PHƯƠNG THẢO