Rẽ vào một quầy hàng giới thiệu tranh gạo bên Quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhiều du khách trong và ngoài nước rất thích thú với những bức tranh sinh động và mềm mại làm từ hạt gạo quen thuộc. Nhiều người tò mò về cách làm tranh từ gạo. Chị Nguyễn Thị Vân, chủ nhân những bức tranh giới thiệu: “Du khách có thể mua tranh gạo có sẵn nhưng ai cũng có thể tự tay làm tranh từ gạo. Chúng tôi có bán những phôi tranh kèm hướng dẫn chi tiết các bước làm tranh cùng số lượng gạo theo màu sắc phù hợp với từng bức”. Nghe đơn giản là vậy nhưng khi trải nghiệm làm thử tranh, dù các công đoạn được hướng dẫn tỉ mỉ và khá đơn giản nhưng không phải du khách nào cũng đủ kiên trì để ngồi xếp từng hạt gạo nhỏ xíu thành một bức tranh trọn vẹn. Sau khi bôi keo theo phôi có sẵn, người làm tranh dùng que tăm đưa các hạt gạo có màu sắc phù hợp vào đúng vị trí mong muốn. Thế nhưng cả que tăm và hạt gạo đều quá nhỏ, đưa hạt gạo nằm đúng theo đường vẽ thì các ngón tay đều trở nên lóng ngóng. Vì thế, không khó để nhận ra hầu hết khách mua tranh đều chọn lựa những bức tranh có sẵn. Chỉ một số người muốn tự tay làm tranh như tự mình thử thách tính kiên trì, nhẫn nại hay để gửi trọn tình thương yêu, tâm sức với người được tặng tranh.

leftcenterrightdel
Chị Nguyễn Thị Vân (giữa) giới thiệu tranh gạo. 

Khi đến với tranh gạo, chị Nguyễn Thị Vân là giáo viên Trường Mầm non Phù Lỗ (xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) vẫn thường vẽ tranh và làm đồ chơi cho các em nhỏ. Bức tranh đầu tiên của chị được làm ra năm 2015 với suy nghĩ giản đơn rằng, từ xưa đến nay hạt gạo luôn là thứ được người Việt Nam trân quý. Nếu những hạt gạo này còn tạo ra được giá trị nghệ thuật nữa thì còn tuyệt vời hơn. Để có những bức tranh ưng ý nhất, chị Vân chọn gạo lài sữa thái  có ưu điểm đều màu, chắc hạt và hơi bóng. Để có màu sắc khác nhau chị rang gạo và điều chỉnh thời gian, nhiệt độ khác nhau, gạo lên màu như ý mà vừa đủ để không bị cháy, nổ hạt. Hiện nay, chị Vân tìm được 42 màu cho những bức tranh của mình. “Bí quyết để có bức tranh gạo đẹp là không được dùng phẩm màu pha trộn tạo màu cho gạo, khi dùng phẩm màu gạo dễ bị mốc, nhanh phai màu”, chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Sản phẩm tranh gạo của chị Vân đã được xếp hạng 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Những bức tranh của chị Nguyễn Thị Vân mô tả phong cảnh làng quê, non nước Việt Nam, di tích lịch sử văn hóa, tình cảm gia đình, truyền thống tôn sư trọng đạo, tình yêu lao động... Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đặt mua tranh gạo của chị Vân để làm quà tặng các đối tác nước ngoài. Các bạn quốc tế rất thích bởi tranh gạo không chỉ mang nét đẹp văn hóa truyền thống, tự nhiên của đất nước mà còn chắt chiu những tần tảo, chịu khó và đầy sáng tạo của người Việt.

Bài và ảnh: HIỀN MAI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.