Trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc của thế kỷ 20, người lính đã trở thành một trong những đề tài quan trọng của thi ca Việt Nam hiện đại. 

Nhìn lại thi ca Việt Nam từ giai đoạn chống Pháp đến chống Mỹ, đã có nhiều bài thơ nổi tiếng gắn với hình tượng người lính, có sức sống vượt thời gian, nhiều bài trong số đó đã được đưa vào chương trình Ngữ văn để giảng dạy trong nhà trường phổ thông. Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: “Đồng chí” (Chính Hữu), “Tây Tiến” (Quang Dũng), “Núi Đôi” (Vũ Cao), “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân)...

Sau năm 1975, khi đất nước đã bước sang kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, người lính vẫn tiếp tục là đề tài hấp dẫn, khơi gợi nguồn cảm hứng của những thế hệ cầm bút kế cận. Nguyễn Quang Hưng (sinh năm 1980) là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của đời sống văn học đương đại. Anh đã xuất bản 13 tập thơ và giành nhiều giải thưởng về thơ. Trong các sáng tác của anh, Tổ quốc và người lính luôn là những đề tài được quan tâm. Tác phẩm “Lính xanh” rút từ tập thơ “Mùa biến thái” (NXB Hội Nhà văn, 2022) là một trong những bài thơ hay của anh.

leftcenterrightdel
Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Trước Nguyễn Quang Hưng, lục bát về người lính đã có nhiều bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu hay Thanh Thảo: “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành/ Anh đi, xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió, lay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc xuồng con/ Mà sông nước dậy sóng cồn đại dương!” (Tiếng hát sang xuân), “Vùi trong trảng cỏ thời gian/ Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta/ Vẫn đằm hơi ấm thiết tha/ Cho người sau biết đường ra chiến trường” (Dấu chân qua trảng cỏ). Thế nhưng, người lính trong lục bát của những nhà thơ lớp trước là những người lính trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.

Còn người lính trong lục bát của Nguyễn Quang Hưng của thời hiện tại là người lính của thời bình. Thời bình nhưng không khi nào hết những gian lao bởi phải đối phó với thiên tai, bệnh dịch, đối phó với biết bao khó khăn của cuộc sống đời thường. Những người lính khi ấy luôn là lực lượng tiên phong để giúp đỡ, cứu trợ nhân dân.

Trong thời chiến, những người lính hy sinh xương máu đã nhiều, đến thời bình, vẫn có không ít chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ bình an, hạnh phúc cho nhân dân: “Tìm trong núi đổ nghiêng trời/ Ấm mồ hôi lính xuống đời tàn hoang”. Câu thơ thật cảm động với hai hình ảnh tương phản: Một bên là sự dữ dội và to lớn của thiên nhiên (núi đổ nghiêng trời), một bên là những người lính xả thân, không ngại gian khó để lao vào những vùng hiểm nguy nhất.

Chiến trận của thời bình lúc này không phải là giặc ngoại xâm mà là bão lũ, núi lở, bệnh dịch. Những đoàn quân vẫn tiếp tục nối nhau đi về khắp các phương trời, ở đâu cần sự giúp đỡ là ở đó có người lính. Màu xanh của quân phục có thể nhuộm thành bùn nâu, đó cũng là niềm tự hào và đầy mến yêu của nhân dân dành cho những người chiến sĩ.

Bài thơ mở đầu với một từ “chiến trận”: “Đội hình quân phục ngát xanh/ Bước vào chiến trận lấm thành bùn nâu”; theo mạch vận động đến phần giữa bài thơ, từ “chiến trận” đã chuyển thành từ “chiến trường”: “Là cơn bệnh dịch hoang mang/ Bình yên chớp mắt nhòa sang chiến trường”; và đến khi khép lại bài thơ, hai chữ “chiến trường” lại một lần nữa xuất hiện: “Nghe ra câu hát chiến trường/ Còn bay trên những con đường tuổi xuân”.

Câu thơ kết thúc tác phẩm mở ra một không gian phơi phới, bát ngát bay lên trong một niềm lạc quan, tin yêu bất tận. Màu xanh quân phục người lính cũng là màu của xứ sở này, trên từng dãy núi, trên mỗi hàng cây. Những người lính mãi mãi là niềm tin yêu trong lòng tất cả mỗi người dân Việt Nam.

Chỉ với 22 câu lục bát, Nguyễn Quang Hưng đã một lần nữa dựng lên tượng đài cho những người lính của đất nước trong những ngày chúng ta đang sống.

NGUYỄN QUANG HƯNG          

   Lính xanh

Đội hình quân phục ngát xanh
Bước vào chiến trận lấm thành bùn nâu

Là khi cơn cớ bể dâu
Mênh mông nước dữ từ đâu quật về
Bão chồng bão lũ cận kề
Quân đi cứu những vùng quê tơi bời
Tìm trong núi đổ nghiêng trời
Ấm mồ hôi lính xuống đời tàn hoang
 
Là cơn bệnh dịch hoang mang
Bình yên chớp mắt nhòa sang chiến trường
Người theo người mới lên đường
Đầu xanh lại ngả về phương hiểm nghèo
Đinh ninh dân nước một điều
Càng thương tích lắm càng nhiều chăm lo

Cùng trong biến loạn quanh co
Thắm màu bộ đội để cho yên bình
Nghìn xưa mạch máu ân tình
Hòa trong trùng điệp quân mình hành quân
Nói lời con cháu nhân dân
Hướng đồng bào sải bước chân ngày thường

Nghe ra câu hát chiến trường
Còn bay trên những con đường tuổi xuân.

30-8/1-9-2021

Tiến sĩ ĐỖ ANH VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.