Năm qua, miền Trung liên tục phải gánh chịu những trận bão lớn, kèm theo đó là lũ lụt tàn phá. Trong sự nguy nan ấy, các LLVT đã kề vai sát cánh cùng đảng bộ, chính quyền các địa phương bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Phẩm chất bình dị của người lính ngời sáng trên từng công việc...

Mỗi địa phương một “mặt trận

Có thể ví mỗi tỉnh, thành phố miền Trung là một mặt trận trong cuộc đấu tranh với hai trận bão số 9 và số 11 xảy ra vừa qua. Trên “mặt trận” ấy, vai trò của các LLVT là hết sức quan trọng.

Trước khi bão vào, người lính đã chủ động “ém” quân ở những địa bàn trọng điểm. Nhận lệnh từ cấp trên, dù là đang đêm, bộ đội cấp tốc hành quân về các địa phương, phối hợp với lãnh đạo, chính quyền tổ chức di dời nhân dân ở những vùng nguy hiểm về nơi an toàn; tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, phân công nhau tuần tra, canh gác bảo vệ tài sản cho nhân dân vùng sơ tán. Chính quyền vững lòng, nhân dân yên tâm khi có các anh cùng sát cánh.

Lãnh đạo Quân chủng PK-KQ tham gia vận chuyển và trao hàng cứu trợ giúp đồng bào vũng lũ tỉnh Kon Tum.

Trong hai trận bão vừa qua, từ vị tướng tóc đã hoa râm, đến chiến sĩ binh nhì mới vài tháng tuổi quân, đều lăn lộn với nhân dân không kể ngày đêm, sớm tối. Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Tư lệnh Quân khu 5, ngoài việc nắm tình hình, chỉ huy chung ở tất cả các hướng, còn trực tiếp trên ca-nô, len lỏi đến những vùng bị lũ cô lập, tiếp tế mì ăn liền, thực phẩm cho nhân dân. Thiếu tướng Lê Chiêm, Phó tư lệnh Quân khu 5, ở Sở chỉ huy phía trước, như một chiến sĩ xung kích, lúc cứu cụ già, khi bế em nhỏ giữa trận cuồng phong. Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Định không quản hiểm nguy, lúc trên mái nhà cứu người bị kẹt, khi trên ca-nô giữa dòng nước xiết, về từng thôn xóm cứu người bị lũ cô lập. Đại tá Phạm Ngọc Tính, Đoàn trưởng Đoàn bộ binh H, mấy đêm liền không ngủ, cùng bộ đội tìm cách giải cứu nạn nhân mắc kẹt trên ngọn cây giữa dòng Ba Hạ. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên cả tháng trời lăn lộn với nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên... vừa chống bão, vừa chống lũ, dốc sức khôi phục giao thông, sửa sang kênh mương, đồng ruộng, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Trên “mặt trận” ấy, từ những vị tướng đến chiến sĩ đều lăn lộn với nhiệm vụ, lăn lộn với công việc như nhau. Nhiều đồng chí nhà bị ngập, bị lũ cuốn trôi; mẹ già, con nhỏ trong vùng hiểm nguy, nhưng chẳng nề hà khi được phân công đi giúp dân địa phương khác.

Huy động tổng lực giúp dân

Chỉ tính riêng LLVT Quân khu 5, trong hai trận bão vừa qua, đã huy động gần 12.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; xấp xỉ 13.000 lượt dân quân; cùng 142 lượt ca-nô, 249 lượt ô tô các loại... giúp nhân dân các địa phương.

Nhờ sự huy động tổng lực cả lực lượng và phương tiện, các đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 đã tổ chức di dời, bảo đảm an toàn tính mạng cho hơn 100.000 người dân trong vùng nguy hiểm ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của bão lũ về nơi an toàn. Người lính khi “vào trận”, không sợ hi sinh gian khổ, chẳng nề hà bất cứ công việc gì. Từ khôi phục giao thông, sửa chữa cơ sở y tế, trường học, nạo vét kênh mương, vệ sinh môi trường, đồng ruộng... Họ mang theo lương thực, cá khô, nước mắm, mì ăn liền, chăn màn, thuốc chữa bệnh... để cứu trợ nhân dân; huy động gần 35.000 ngày công, tu sửa 64km đường giao thông, 47km kênh mương, sửa chữa 42 trường học, khám, chữa bệnh cho gần 12.000 lượt người, trích quỹ ủng hộ đồng bào vùng bão lũ hơn 4 tỉ đồng...

Cùng với LLVT Quân khu 5, các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn, huy động cả trăm nghìn ngày công giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Để cứu một mạng người bị lũ cô lập giữa dòng sông chảy xiết, quân đội đã điều cả trăm cán bộ, chiến sĩ, cả máy bay trực thăng và những trang bị đặc chủng... Phẩm giá chiến sĩ đã tôn vinh đạo lí của dân tộc bằng những việc làm trách nhiệm như vậy.

Giúp bạn như giúp mình

Mặc dù đang bị lũ lụt tàn phá nhiều địa phương, song khi biết một số huyện của tỉnh Ra-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) bị lũ cô lập hết sức phức tạp, đích thân Tư lệnh Quân khu 5 điện thoại với Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên thống nhất phương án điều xe lội nước hai chân vịt có sức cơ động nhanh tham gia lực lượng ứng cứu; đồng thời báo cáo Bộ Quốc phòng điều động hai máy bay trực thăng của Quân chủng Phòng không-Không quân tham gia thả hàng ở các vùng mà lực lượng ở mặt đất không tiếp cận được. Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Phạm Thế Dũng, trực tiếp tham gia Sở chỉ huy lâm thời của Quân khu 5 để cùng chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn nhân dân nước bạn. Có thể nói trong lịch sử phòng, chống lụt bão của nhân dân và quân đội ta, chưa hề có tiền lệ này. Đây là lần đầu tiên, cả đảng bộ, chính quyền địa phương và LLVT với những trang bị hiện đại nhất, tốt nhất được huy động ứng cứu nhân dân nước bạn. Chỉ có thật sự là anh em, là bạn bè thủy chung; và cũng chỉ có quân đội và nhân dân Việt Nam, dù cũng đang hết sức khó khăn, vẫn ưu tiên những phương tiện tốt nhất để giúp bạn. Đây là mẫu mực của sự quan hệ quốc tế trong sáng.

Khúc vĩ thanh của người lính thời bình, là dấu son mới trong suốt chiều dài lịch sử của quân đội sẽ mãi ngân vang và tiếp tục ngân vang trong dòng chảy lịch sử hào hùng. Rất bình dị, nhưng rất đỗi cao quý và thiêng liêng. Cuộc đấu tranh sinh tử với sự khắc nghiệt của thiên nhiên tôi luyện thêm bản lĩnh của người lính và làm ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Bài và ảnh: LÂM QUÝ